Chẳng cần cô bí thư mở lời, tôi cũng đoán ra nội dung cuộc họp này là gì? Đông đủ, tề tựu toàn bộ “tai to mặt lớn “ trong lớp. Ngay cả các tổ trưởng từng tổ cũng được huy động hết. Chắc lại là 20-11, ngày Nhà Giáo Việt Nam. Dung hẹn tôi sau tiết học ở lại là vì việc công, không phải việc tư.
-Như các bạn đã biết, 20-11 đã gần kề.
-….!-Tất cả chăm chú nghe, còn tôi thì hơi mất tập trung vì những lời này quá khách sáo.
-Sáng nay mình đi họp trên văn phòng Đoàn có phổ biến nội dung kế hoạch như sau…!
Dung cầm một tờ giấy A4 chi chít chữ, phổ biến các phong trào thi đua học tập lẫn ý thức học sinh trong tháng mười một. Nào là chuyện trong giờ học ra sao, học sinh gương mẫu không mắc lỗi vi phạm. Dung vẫn đọc ở trên, còn tôi ngồi ở dưới ngó lơ ra ngoài khoảng trời đang xạm đen lại. Tháng mười một, tháng của mùa mưa đây mà:
-Chủ yếu là cả năm, chứ có phải đến tháng là phải chăm ngoan đâu.-Tôi lầm rầm với thằng Hà bên cạnh đủ cho hai đứa nghe.
-Ờ thì chào mừng cũng nên có chút thành ý chứ mày!-Thằng Hà tranh thủ không ai để ý đối đáp lại.
-Xì, không hứng!-Tôi chấm tay xuống bàn, rê ngón tay qua mấy cái hình vẽ được khắc lên bàn từ lớp đàn anh đi trước để lại.
Trên bục giảng, Dung vẫn tiếp tục. Tất cả sẽ chán ngắt nếu Dung không phổ biến chương trình cuối cùng.
-Cuối cùng, là chương trình làm báo tường!
Chỉ cần nghe đến thế thôi, những người còn lại xì xào bàn tán. Báo tường chào mừng 20-11 là một lẽ, nó là một thứ mà học sinh sẽ lưu lại trường Tôi cảm thấy hứng thú với nó ngay tức thì.
-Các bạn có ý kiến gì không?
-Theo mình nên bàn đến hình thức trước!-Thằng Hải nói trúng bóc.
Báo tường hầu như là tờ giấy cứng, được viết lên những cảm xúc, những câu châm ngôn hay, hoặc đại loại là những câu chuyện cười. Nhưng như thế thì ai cũng giống ai, lớp nào cũng giống lớp nào, làm gì đặc sắc riêng của lớp đấy chứ.
-Ý Hải là muốn tạo một hình thức khác biệt!
-Ừ, phải đặc biệt thì nhìn vào họ sẽ biết ngay lớp mình!-Thằng Hải hình như đã xâm phậm vào bộ não của tôi nên nói y chang.
-Vậy ai có ý tưởng?
Tôi trầm ngâm một lúc, suy nghĩ xem nên thiết kế cái báo tường ra làm sao cho thoả các tiêu chí “độc, lạ, đẹp”.
-“Làm theo cuốn sách thì không treo lên được, mà hình như cũng trùng rồi”.
Bao nhiêu cái đầu ngồi bóp trán suy nghĩ. Ai cũng đăm chiêu dồn hết chất xám.
-Tớ biết rồi!
-Cái gì mày?-Thằng Hà quay sang nhìn tôi như kẻ được hồi sinh.
-Đây này!-Tôi chỉ tay ra ngoài!
-Là sao hả Tín?-Mấy đứa khác vội hỏi.
-Cửa sổ đó, làm theo hình chiếc cửa sổ. Mở cánh cửa ra mới thấy được báo tường.
Cuối cùng cái đầu tôi cũng có chút hữu dụng. Mấy đứa bạn gật gù tán thành coi như thoả mãn tiêu chí đặt ra. Chỉ có Dung bổ sung thêm chút ý tưởng:
-Vậy bên trong mình sẽ thiết kế như cái bảng này, có khung lớp, sĩ số, và học sinh vắng luôn. Như vậy thì sẽ biết số lượng lớp mình là bao nhiêu!
Tất nhiên, với ý tưởng độc đáo như thế thì bao nhiêu cái đầu còn lại thi nhau mà gật gật. Coi như xong phần thiết kế, giờ chuyển qua phần nội dung.
-Nội dung thì mình sẽ bàn kĩ hơn một chút!
Đúng là kĩ hơn thì sẽ lâu hơn. Bao nhiêu ý kiến được đưa ra. Nội dung phân chia ra sao, ai chịu trách nhiệm mục gì, rồi còn lấy nội dung đó ở đâu cũng nhức đầu không kém.
-Theo mình thì các bạn ở đây ai có khả năng viết thì viết, còn nữa thì sưu tầm cũng được!
Một số gật đầu đồng ý, một số lắc đầu nguầy nguậy. Chỉ còn đúng mỗi mình tôi là cau mày khó chịu.
-Mình không đồng ý, tốt nhất là mỗi người gửi ít nhất một bài viết rồi tổng hợp lại, chọn lọc những bài viết hay đăng lên báo tường.-Thằng Hà phản bác.
Tôi gật gù với ý kiến của thằng bạn. Báo tường của lớp thì từ nội dung cũng phải từ lớp mà ra, có gì mà thú vị nữa.
-Mình biết, nhưng tuần này có thi giữa kì, có kiểm tra một tiết, thời gian các bạn rất hạn chế.
-Hạn chế nhưng không phải là không có, mình nghĩ trong lớp cũng sẽ sẵn lòng thôi.-Thằng Hà gay gắt phản ứng, chẳng hiểu sao tôi cảm thấy nó có phần còn hơn cả tôi nữa.
Ban cán sự lớp bắt đầu chia phe khi nghe hai người tranh cãi. Bên nào cũng có lý lẽ và lập luận nên dường như biểu quyết cân bằng. Tất nhiên tôi theo phe thằng Hà rồi.
-Một nửa đồng ý, một nửa không, vậy thì cứ như mình nói mà làm.
Tôi và thằng Hà chết lặng nhìn nhau, không hiểu mình vừa nghe được câu gì từ Dung nữa, và có chắc mình có nghe đúng không. Rõ ràng Dung đã áp đặt một cách quá cứng nhắc.
-Giờ mình phân công nhiệm vụ!
-Vậy thì mình xin rút, không tham gia!-Tôi đứng bật dậy, vai đã đeo chiếc balo từ đời nào.
-Ơ, thằng Tín, sao lại thế?-Mấy đứa tổ trưởng xôn xao.
-Tớ cũng không!-Thằng Hà cũng như tôi.
Hai đứa tôi không hề gây sức ép cho một ai đó, chỉ biết rằng mình cảm thấy không phù hợp với sự kiện này, không thể làm việc dưới sức ép, khuôn mẫu dưới công việc đòi hỏi sự sáng tạo tạo ra nét riêng cho một tập thể. Mấy đứa còn lại nhìn hai thằng, rồi lại quay lên nhìn Dung.
-Hai bạn cảm thấy không có tinh thần trách nhiệm thì có thể ra về!
Bất ngờ, hụt hẫng và pha chút tự ái, tôi xách balo đi băng ra khỏi cửa lớp, thằng Hà theo sau để lại mọi ánh mắt ngơ ngác lẫn bàn tán:
-“Vô trách nhiệm!”.
Tôi co chân sút mấy cục đá trên sân trường. Cái móc khoá hình đồng xu kêu leng keng giờ đây thật khó chịu. Hai thằng chẳng ai nói ai câu gì, mặt đỏ gay, có vẻ chưa nuốt trôi cục tức.
-Tao không chấp nhận được!
Thằng Hà giộng cái ly nước mía xuống cái bàn, vẻ tức tối hằn rõ lên từng nét mặt. Tôi ngồi im vì tâm trạng có chút rối bời.
-Làm việc tập thể mà tự quyết không chấp nhận được!
Nó vứt cái ống hút, đưa ly lên miệng mà uống. Mấy cục đá khẽ chạm nhau khô rốc. Giờ đây không có viên đá nào có thể xoa dịu hai cái đầu nóng đang phừng phừng bốc khói:
-Còn nói mình không có tinh thần vì lớp nữa, tao tức không chịu được!
-Ừ!
-Mày cảm thấy phi lí không?
-Ừ!
-Thế giờ mày tính sao?
-…..!
Đáp lại câu hỏi của thằng bạn, tôi ngập ngừng chẳng tìm đâu ra câu trả lời. Nó nhìn tôi im lặng từ nãy đến giờ thì cũng có chút dịu lại, rồi im lặng theo. Người mà nó đang nhắc tới lại có tình cảm với tôi, và tôi mới là người cảm thấy bực bội nhất xen lẫn thất vọng quá nhiều. Dung bản lĩnh cương quyết hình như lần này biến thành có chút độc đoán mất rồi.
-Thôi, tao về, tao cóc thèm tham gia nữa, chiều đi học Hoá gặp sau.
-Ừ, thôi tao về!
Tôi leo lên xe, kiếm cái ghế trong góc hàng cuối cùng ngồi. Đưa tầm mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, cảnh vật trôi nhanh về sau, loáng thoáng và mơ hồ. Cũng như tôi bỡ ngỡ vì những gì về Dung trôi qua thật nhanh. Khẽ thở dài rồi lại trở về trạng thái rũ rượi, khẽ cau mày và nhếch môi cười chua chát.
-“Hai bạn có thể về”
-“Có thể về”
-“Không có tinh thần trách nhiệm”!
-“Không có ư”?
-“Phải chăng mày và thằng Hà có chút ép Dung?”.
Tôi bị dày vò giữa hai luồng suy nghĩ. Một bên cảm thấy chúng tôi có chút quá đáng, và một bên là Dung quá đáng với hai thằng tôi. Quá khó nghĩ, nếu như bí thư lớp tôi là một người khác không phải Nàng, có lẽ tôi chẳng phải đắn đo như thế này mà mặc nhiên phần đúng về mình.
-Thằng Hà bị gì mà xị mặt ra thế?-Phong mập chặn tôi ngay cổng nhà cô dạy Hoá vào buổi chiều.
-…….!-Tôi buồn so chẳng trả lời nó, dựng chân chống xe rồi đi thẳng vào lớp.
-Ơ, hai cái thằng này, hôm nay bị bồ đá cả hai à?
-………!
Tôi chẳng nói gì, chẳng đáp trả như thường lệ làm mấy đứa bạn càng thêm thắc mắc.
-Mày làm cái gì mà mặt như đưa đám từ nãy tới giờ thế?-Thằng Hoàng xoay đầu xuống dò hỏi.
-Mày hỏi cái người bàn đầu kìa?
-Dung à, thế lại cái gì nữa?
-Học đi, tí thằng Hà nó nói cho!
-……!-Thằng bạn thân nhìn tôi lắc đầu rồi quay lên, cắm cúi lấy cuốn sách ra đọc.
Sau thằng Hoàng, đến lượt Ngữ Yên cũng thấy cái mặt tôi “bất bình thường”.
-Tín bị sao thế?
-…………!
-Tín!-Ngữ Yên lay tay tôi.
-Ơ, sao vậy?
-Bị gì mà đăm chiêu quá vậy?
-Ơ, không, không có gì?
Ngữ Yên hiển nhiên biết đó là cách chống chế của tôi mà thôi. Nhưng vẫn như thường lệ, nhường tôi một chút.
-Cuốn Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm đọc hay ghê!
-Ừ, Yên thích không?
-Có, Yên đọc thấy thích lắm!
-Vậy à?
-Vậy à là sao?
-À, không……!
-Tín chắc là bị gì rồi?
Tôi cười và lãng tránh, cắm cúi vào cuốn vở nháp mà giải đề thi. Ngữ Yên cũng không hỏi thêm để tránh tôi khó xử. Cứ như thế, cái bàn cuối trở nên yên ắng đến lạ thường. Tôi cảm thấy thỉnh thoảng một đôi mắt bên cạnh nhìn tôi, nhẹ nhàng và đầy quan tâm. Định hỏi rất nhiều, nhưng chỉ im lặng, dịu dàng.
Và cũng có một người khác như vậy. Không im lặng, không dịu dàng, mà đầy cương quyết, mãnh liệt.
-Tín, ra nói chuyện với Dung một chút!
Dung cương quyết đến nỗi tôi phải rời khỏi gần chục chiếc xe đạp đang tụm lại với nhau sau giờ tan học.
-Ra chỗ cũ trước đi, nhớ để phần tao nhé-Tôi quay lại đẩy lũ bạn đi trước.
Giữa cái đêm tối tĩnh mịch ấy, hai chiếc xe đạp được dắt bộ thong dong với nhau. Ánh trăng khẽ đưa xuống, làm cho khung cảnh thêm chút lãn mạn. Nhưng đó là vào phút giây khác, còn phút giây này đây, nó chỉ làm tăng thêm vẻ u uất mà thôi.
-Tín giận Dung lắm nhỉ?
-…….!
-……!
-Chút chút!
-Từ vụ thi Văn?
-Không!
-Hay là vụ báo tường!
-Ừ!
-Tại sao lại giận?
Tôi dừng lại, chiếc xe đạp của tôi cũng dừng theo, và nó thua chiếc xe đạp của Dung nửa vòng bánh. Tôi thở dài:
-Không thấy nó quá độc đoán hay sao?
-Độc đoán?
-Ừ, kiểu như Dung đang tự một mình quyết hết ấy!
-Thế không phải là tốt ư?
-Không biết nữa, nhưng như thế là không công bằng với mọi người!
-Và không công bằng với cả Tín!
Tôi chẳng nói gì. Im lặng với Dung là thừa nhận hay phản đối cũng vậy mà thôi. Với tôi, im lặng là không muốn nói gì thêm nữa.
-Vậy Dung trách nhiệm với tập thể là sai ư, là độc đoán vì tập thể là sai ư?
Giọng Dung hình như nghẹn lại, có chút gì đó khiến tôi chùn lòng. Tôi im lặng, và cảm thấy có chút gì đó đỗ vỡ.
-Tín nói gì đi?
-Mình về đi!
Tôi dắt xe đi lên ngang với Dung, khuôn mặt dưới ánh trăng vàng khẽ đanh lại. Cái mũi cao càng làm cho khuôn mặt ấy kiên quyết hơn với người đối diện.
-Tín nói hết đi?
-Ừ, tập thể làm nên cá nhân, chứ cá nhân không thể tạo nên tập thể!
Tôi thở dài sau câu nói, vì linh cảm cho tôi thấy, khi câu nói này thốt ra, nó như cái mỏ neo níu giữ con tàu trước sóng gió bị nhấc bổng. Và con tàu ấy sẽ trôi đi vô phương.
-Vậy Dung về!
Tôi không níu giữ, không gọi với theo. Chỉ im lặng mà nhìn Dung từ đằng sau. Bóng đêm dần dần ôm trọn Dung vào lòng, và từ từ cái bóng hình ấy hoà vào hư không biến mất. Chỉ còn lại tôi, trơ trọi với một màu đen.
-À, quên, còn mày nữa!-Tôi đưa cái móc khoá hình đồng xu lên thì thầm.