CHAP 58-CHAP 59: NHỮNG NĂM THÁNG ẤY
Tối hôm đó, hơn mười hai giờ đêm, trong khoảng cắm trại tối thui, chỉ còn văng vẳng những tiếng đàn hát ở phía lửa trại, nhóm chúng tôi tách riêng ra, tự thưởng cho mình một ngọn lửa trại riêng, ngồi nhâm nhi món gà nướng, tráng miệng bằng những quả xoài xin một cách không rõ ràng từ nhà ông thằng Linh vẹo.
-Cảm ơn Ông của Linh hào phóng nào anh em!
-Một…hai..ba..dô!
Mười mấy chiếc li nhựa chạm vào nhau chẳng phát ra tiếng động, bên trong cũng chẳng phải là bia rượu như người lớn hay cụng li lạch cạch vào nhau. Chỉ là thứ nước ngọt bình thường, nhưng trong hoàn cảnh này thì dù cho là nước uống bình thường, nó cũng không quá quan trọng.
-Dẹp cho gọn nào, thằng Tín phụ thằng Hưởng vứt rác lẹ lên!
Khiêng đống giấy báo lẫn li nhựa, kèm theo những chiếc xương gà, tôi với thằng bạn nhanh nhảu vứt vào thùng rác gần đó, rồi nhanh chân chen cho mình vào cái vòng tròn xung quanh đống lửa nhỏ. Thằng Bình ngồi ở giữa, và bắt đầu thể hiện cái tài năng mà cho đến bây giờ tôi không thể nào tập theo nó, dù rất muốn.
Bắt đầu nhịp dạo đầu tiên, câu hát của ca khúc Khúc Hát Chim Trời bắt đầu. Những tiếng vỗ tay đồng điệu phụ hoạ theo tiếng đàn. Liên tục như thế, cho đến khi những giai điệu âm nhạc không còn hấp dẫn nữa thì chúng tôi tự tách nhau ra, tìm cho mình một người đồng cảm với mình nói chuyện.
Tôi, trong khoảng thời gian đó, lại chọn cho mình một góc riêng. Ngồi vắt vẻo trên ban công trước cửa lớp quen thuộc, ngắm những ngọn cây đang lay động khẽ khàng vì làn gió thổi qua, mong manh, vật vờ dưới ánh trăng ẩn hiện dưới đám mây.
Một cảm giác kì lạ, một hoàn cảnh kì lạ, và với hai con người đặc biệt, tôi có chút băn khoăn vì cái quyết định dứt khoát với Dung và chuyển mục tiêu sang Yên. Nhưng liệu có phải tôi là một thằng khốn nạn trong một cuốn tiểu thuyết nào đó, hay là một nhân vật phản diện, vì yêu sinh hận, dùng Yên như một thứ để trả thù, hoặc khá khẩm hơn là chỉ tìm người thay thế.
Liệu tình cảm dành cho Yên đủ đế biến nó thành tình yêu hay chưa?
Chính bản thân tôi còn u mê không biết?
Và khi không còn biết tâm sự cùng ai, tôi lấy chiếc mp3, đặt chiếc tai phone vào cả hai tai, bật những giai điệu mà mình muốn nghe nhất. Đó là bài when you believe đã ăn sâu vào tâm thức. Tôi đang muốn củng cố niềm tin gì? Là niềm tin về một thứ tình cảm mới, hay là hoài niệm một thứ đang từ quá khứ trỗi dậy.
Bên tai tôi khe khẽ vang lên tiếng hát dịu dàng. Nó đủ lấn át giọng của Mariah Carey để lay động tôi. Khẽ tháo một chiếc tai phone khỏi tai, tôi ngoái sang bên cạnh. Là Dung, cô nàng đứng cạnh tôi từ lúc nào, chống hai tay xuống ban công, quay lại nhìn tôi.
-Tại Dung vô tình đi qua gặp Tín thôi!
Vô tình? Ừ, thì vô tình, tôi vẫn chăm chú nghe nhạc dù cho những nhịp tim bắt đầu có chút rối loạn.
Hai con người vô tình gặp nhau tại địa điểm nơi mình muốn đến nhất trong buổi đêm cắm trại, cũng không thể vô tình mà coi người bên cạnh như vô hình suốt đêm được. Đó chính là trò đùa quái ác của ma đầu Duyên Nợ.
-Tín.!
- Sao?-Mắt tôi vẫn lấy đỉnh cái cây xa xa làm mục tiêu nhìn, không quay lại.
-Muốn sau này mình làm gì nhất!
-Cũng chưa biết!
-Hồ sơ đại học thì sao?
-Cũng chưa rõ nữa, có thể sau này học một đằng làm một nẻo thì sao?
-Vậy à..!-Dung có chút chùng xuống.
-Dù sao cũng phải thi mà, chắc gì đã đậu!
Tôi rời mắt khỏi ngọn cây, lấy Dung làm mục tiêu. Câu nói của tôi không phải là của thằng nhút nhát, nhưng khi bạn sắp bước đến giai đoạn như tôi, những giai thoại về chuyện học tài thi phận hằng ngày vẫn ra rả đồn thổi. Nào là anh kia học cực siêu, chị kia học cực giỏi nhưng không đậu nguyện vọng một.. nào là thiếu nửa điểm vào đại học, tiếc ơi là tiếc. Dần dần nó bào mòn những niềm tin về bản thân mình. Mười hai năm tu luyện trên ghế nhà trường, nhưng chỉ có một khoảnh khắc, bạn sẽ được người đời tung hô hay cười chê, điều đó làm tôi cảm thấy bất công.
-Sao không tự tin là mình đậu?
-…!-Tôi cười, không đáp lại, vì đó là điều hằng ngày lấn át, quấn quanh tâm trí tôi, đâu phải muốn gạt bỏ nó ra là được.
-Vậy Dung sau này muốn làm gì?
- Muốn được đi ngao du, muốn được thưởng thức văn hoá tất cả các nước trên thế giới để biết mình nhỏ bé thế nào?
-Thú vị hơn Tín rồi nhỉ?
-Thú vị hơn.
Tôi bị thôi miên, nói ra ước mơ của mình, muốn được làm chủ một cái gì đó, dù nhỏ thôi. Muốn mở một quán cà phê sách, ở nơi đó người ta có thể nhâm nhi những ly cà phê thơm lừng của miền đất tôi, được đọc những cuốn sách thú vị, hay là nghe những bài nhạc nhẹ nhàng, khơi lại tâm hồn khô cằn vì cuộc sống tất bật phủ mờ.
-Có nhỏ quá không?
-Nhỏ ư?
-So với tính cách của Tín!
Chắc là không đâu, vì bây giờ, bản thân tôi vẫn mong muốn như thế. Có thể với người khác là một điều bình dị nhất, một ước mơ nhỏ bé, một ước mơ quá tầm thường, nhưng đó là một cuộc sống mà tôi hướng tới nhất, làm cho tôi hứng thú với cuộc sống nhất. Chẳng sao cả, ước mơ mỗi người mỗi khác, và tôi đã chọn cho mình ước mơ đó rồi, chỉ còn cách cố gắng mà theo đuổi.
-Dạo này thấy Tín chăm học nhỉ?
-Cũng không hẳn lắm.!-Nếu đó là ban ngày, chắc Dung đã nhìn thấy cái mặt tôi đang dần chuyển qua màu đỏ.
-Có gì khó hiểu Dung nhờ Tín chỉ bài được chứ!
Không thể từ chối, nhưng tôi cũng không chấp nhận một cách hoàn toàn.
-Nhưng mà Tín chỉ bài thì không hợp với kiểu của…!
-Thì vấn đề là để hiểu bài thôi, gần thi rồi, cũng đâu thể cố chấp mãi được!
Tôi đành miễn cưỡng đồng ý, cái tâm pháp lánh xa kẻ ruồng bỏ mình dần dần sụp đổ.
Đêm hôm đó, cô nàng tựa lưng vào ban công, chìm trong giấc ngủ, mê mệt vì vận động nguyên ngày. Chắc là một giấc mơ, một giấc mơ cô nàng đang đặt chân tới Paris tráng lệ, được tới Rome ngắm tháp nghiêng, hay là New York ồn ào náo nhiệt. Cứ mơ đi cô bạn, tuổi trẻ là nhiệt huyết, là ước mơ đam mê cháy bỏng mà.
Tôi đặt chiếc áo khoác đắp cho Dung, và ngồi lên ban công, tựa lưng vào tường như một người canh gác. Nhìn bầu trời đêm hỏi những đám mây phiêu bồng sự mâu thuẫn trong lòng. Mây vẫn hờ hững bay qua, không thèm nhìn tôi lấy một chút.
-Nè cho Tín nè!
-Hờ, lại sữa à, hôm qua Yên cho bánh rồi mà!
-Cầm đi, Yên còn mà, dạo này bày đặt ngại hoài!-Cô nàng còn chút ngái ngủ, hối thúc.
Sáng hôm đó, lễ bế mạc trại diễn ra sớm, tôi chẳng được một chút thời gian chợp mắt. Ngồi nghe diễn văn mà ngáp lên ngáp xuống. Nếu không nhờ thằng Nhân đen tát cho mấy phát tỉnh ngủ thì e rằng vẫn mình tôi ngồi ngủ giữa sân trường trong khi tất cả mọi người đã về nhổ trại từ lâu.
-Ế, nhổ giúp tao cái cọc tre bên kia coi!
-Cắm xuống cũng tao, nhổ lên cũng tao!-Tôi ngái ngủ làu bàu thằng bạn.
-Nhanh đi, làm cán bộ mà than hoài!
Tôi với thằng Nhân đen lại cố dùng sức còn lại sau ngày hôm qua mệt mỏi, đào bới, rung lắc cho đủ kiểu để cây cột lung lay, rồi mới nhổ lên. Chẳng hiếu thế nào mà thằng bạn lại la bài hãi.
-Tay mày kìa!
-Bố mày dùng hết sức rồi, than cái gì nữa?-Tôi nổi cáu với thằng bạn.
-Thằng điên, chảy máu kìa!
Tôi nhìn xuống tay, máu đã chảy ra lênh láng. Hoá ra trong lúc cầm vào cọc tre, bị cứt đứt chảy máu lúc nào không biết. Vết thương chảy máu dẫn dụ một đám tới xâu xé, tất nhiên không phải là cá mập, mà là lũ bạn tôi.
-Sao không Tín?
-Ai buộc vết thương dùm coi?
Tôi vẫn cười ra bộ cứng rắn, chứ trong lòng muốn ứa hết nước mắt cho bớt cơn đau. Cố làm bộ mặt tỉnh quẹo cho các cô bạn cùng lớp đỡ lo. Mấy thằng bạn tôi xem qua, thấy không nghiêm trọng lắm thì phũ phàng để lại một câu:
-Ngu thì chết chứ bệnh tật gì!
Vậy đấy, chúng nó vẫn bắt tôi làm việc như chưa hề bị thương. Tôi cố gắng thì phải cố gắng đến cùng, không thể bỏ vai diễn” ta đây con trai, xá gì mấy vết thương” trước mặt các cô bạn đang trầm trồ về tôi được.
-Nè, cầm lấy!
Đấy, đối thủ khó chịu nhất cuộc đời tôi là vậy đấy. Chính những lúc bạn căm ghét người ta đến cực độ, thì đối thủ ấy lại khiến bạn phải cảm động bởi những hành động hiệp nghĩa. Dù cho bạn bè bình thường cũng làm như vậy, nhưng bao nhiêu bạn bè bình thường mới có được một người.
Tôi ngồi trên xe bus, tay cầm hộp sữa, tay cầm miếng băng dán cá nhân, mâu thuẫn, và chỉ có nước cười nhạt. Nụ cười bế tắc và mâu thuẫn, chính như tình cảm của tôi vậy. Một câu chuyện lằng nhằng, rắc rối.
Những ngày tiếp theo, khi quanh không khí lớp tôi nói riêng và toàn khối mười hai nói chung, bạn sẽ thấy những gương mặt ủ rũ, ngái ngủ tay vẫn cầm cuốn sách, miệng vẫn lẩm nhảm những câu những chữ trong sách không khác gì thầy bắt ma đang đọc bùa chú vậy.
Mấy thằng bạn tôi cũng thôi cười đùa, thay vì đùa đùa nghịch ngợm ngoài ban công cũng cắm đầu vào sách học lấy học để. Một buổi học không khác gì một buổi họp của chính phủ vẫn thấy trên phương tiện truyền thông cả. Hết môn này thì lôi sách vở ra học môn khác, mà nghỉ giải lao thì vẫn ngồi im tại chỗ mà học. Cá biệt có đứa siêng năng hơn, thứ năm ngày học hai tiết, còn ở lại cả lớp để học cho yên tĩnh.
-Ê, thứ năm ở lại trường học nha mày!-Thằng Kiên cận đề nghị.
-Điên à, về ngủ cho khoẻ?
-Mày ở lại với tao!-Nó kì kèo từng thằng một.
-Trang ở lại thì bọn tao đi theo làm gì?
Với những thằng như tôi, phương châm có thực mới vực được đạo, có gạo mới thổi được cơm. Ăn với ngủ, kết hợp nghỉ ngơi thì tinh thần mới minh mẫn được. Riêng chuyện học thì tôi là một thằng có vẻ minh mẫn, nhưng về chuyện tình cảm, thì tôi là một thằng lằng nhằng không thể tả.
-Thế rốt cuộc là mày chọn ai? Dung hay Yên?
-Tao chưa biết, mày hỏi nhiều thế?
-Mày nên nhớ cái gì cũng có mục tiêu, để từ đó mới đổ công sức vào. Bản thân mày, không biết học ngành gì, tán cô nào thì cũng vứt thôi!
Tôi vuốt cằm suy nghĩ câu chân lí của thằng Hoàng, còn nó thì nhìn mấy cô nữ sinh khoá sau cười đùa bên kia đường, trong tà áo dài trắng tinh.
Học vì cái gì? Mình có tình cảm với ai? Là những câu hỏi tôi cần phải trả lời thật sớm.
Và cái gì thường gấp gáp thì hay có hậu quả sai lầm. Sau một buổi học trầm tư u uất. Tôi chấm mạnh cây bút xuống mặt bàn khiến vỏ bút vỡ nứt từng mảnh. Tôi quyết định đến với Yên.
-Mày nghĩ kĩ chưa?
-Rồi!-Tôi làu bàu lại thằng Hoàng.
-Mày coi chừng tìm người thay thế thôi con ạ!
-Im mồm dùm tao!
Tôi không phải là thằng vì cô đơn mà chơi cái trò giả vờ yêu được. Tình cảm tôi dành cho Yên không phải là tình cảm tìm người thay thế trong cái trò chơi ngu ngốc. Một phần tôi có quan niệm: Cái gì tan vỡ là tan vỡ. Vì thế tình cảm với Dung là một thứ không trọn vẹn. Một lần là quá đủ cho tôi.
Những ngày sau là những ngày mà cả hai lớp chọn đề phải mắt tròn mắt dẹt khi tôi gần như chính thức bước vào công cuộc chinh phục cô nàng dịu dàng nhất lớp bên. Cứ mỗi ngày, bạn ngồi cạnh một cô gái trên ghế đá học bài, đi học về thì hầu như lúc nào cũng đi cùng nhau. Thỉnh thoảng giờ giải lao, lại tình cờ khi thấy cả hai một cách tình cờ nữa cùng ra ban công hít thở khí trời, bạn sẽ được mặc định là nửa kia của nửa kia. Là một cặp.
Cũng chẳng có gì sai? Tôi đủ lớn để biết những lời trêu chọc không phải là vấn đề làm tôi xấu hổ nữa. Càng nhiều lời xấu hổ, tô càng cảm thấy đó là những lời ủng hộ quyết định của tôi.
Những ngày ấy, Dung vẫn đi về một mình, dù tôi biết rằng, vệ tinh theo cô nàng cũng nhiều vô kể.
Những ngày ấy, có một thằng con trai, vì tìm cảm yêu đương, mà bỏ quên một thứ tình cảm bạn bè thắm thiết diễn ra từng ngày trong cái lớp vốn ít nói. Một thứ bỏ quên đáng tiếc và cũng đáng trách.
Trên bục giảng, những từ mà Thầy Cô nhắc tới nhiều nhất vẫn là:
-Các em đảm bảo sức khoẻ!
-Còn hai tháng nữa là bắt đầu những kì thi quan trọng.
-Gần thi rồi các em lơ là!
Thời gian trôi như tên bắn, dần dần là những câu nói:
-Còn một tháng nữa thôi!
-Các em ôn thi thật kỹ, mai thầy sẽ cho đề cương!
Chỉ còn một tháng, và thời gian cho những cuốn lưu bút tung hoành bắt đầu!
Với những thằng con trai, tàng trữ và vận chuyển lưu bút, sẽ bị hội đồng nam tính kết luận là thiếu nam tính, là vớ vẩn, là con gái đầu thai, đủ mọi tội hình mà mỗi khi mang ra sỉ nhục, nạn nhân chỉ còn biết ôm đầu mà rên rỉ.
Chỉ có một số đứa vẫn tự tin thoát tội như thằng Hải, thằng Sơn, chúng nó vẫn chuyền lưu bút cho một số đứa viết, để rồi mỉm cười khi dở ra đọc, khoái chí một mình.
-Ê, ghi dùm tớ coi!
-Thôi mà..!
-Thôi gì mà thôi!
-Tớ với cậu nhà gần nhau, ghi làm gì?
-Ơ, thế gần là không được ghi à?!-Nguyệt nhìn tôi đe nẹt.
Tôi cười xoà, đưa tay chối lia lịa cái cuốn Lưu Bút Nguyệt đưa. Đâu ra cái ý tưởng kì quặc, sưu tầm đủ những lời tâm sự của từng thành viên trong lớp, trong khi tôi với cô nàng, một ngày gặp nhau không dưới bốn năm lần. Và cũng chỉ cần đi bộ mất một chút là tới nhà nhau.
Vì thế, tuyệt nhiên, những thằng xóm nhà lá chúng tôi luôn là những thằng cứng đầu trước những lời nhờ viết vào những cuốn sổ. Trừ những thằng có trường hợp đặc biệt, như Vũ với Nguyệt, hay Kiên cận với Trang.
-Ê, viết cái coi!-Hằng bán chanh thả cuốn sổ cái cạch trước mặt Phong mập.
-Đi chỗ khác chơi, không biết viết gì hết.!Và mặc cho cô bạn năn nỉ muốn gãy lưỡi, nó vẫn nhất định giữ ý kiến của mình.
-Xí, chảnh!-Cô bạn không quên để lại một câu tặng thằng mập.
Nhưng luật cấm tàng trữ, cấm sử dụng nhưng không cấm xem ké. Bởi thế, tôi vẫn thường đọc trộm cuốn lưu bút từ Nguyệt. Thỉnh thoảng cô nàng vẫn mở ra đọc và cười khúc khích, vì thế tôi cũng vô tình biết được nhiều tin tức mật từ thời xa xưa.
Chuyện Nguyệt được thằng Minh tốt bụng lớp tôi giúp đỡ, hay chuyện thằng Hải ban đầu cũng có ý định tán Nguyệt ngay khi cô nàng vừa chuyển vào lớp.
Và tôi nghĩ lưu bút là một thứ hay ho, đáng để quan tâm, nhưng không bao giờ nói với đám bạn. Và chắc tụi nó cũng nghĩ như tôi, chỉ vì sĩ diện hảo mà không nói ra thôi.
-Nè, lưu bút đâu?-Tôi vỗ vai Yên.
-Làm gì ?
-Để viết chứ làm gì?
-Ơ,..cũng đòi viết à!
Từ ngày mà chúng tôi được thiên hạ đồn thổi, thì giữa hai đứa không còn xưng nhau là tên nữa. Bắt đầu từ tôi, căn bệnh lan qua Yên. Cũng không biết xưng với nhau thế nào cho phải. Xưng EM thì không dám mà xưng tên thì không đảm bảo sự thân mật. Vì thế tôi xưng theo kiểu mập mờ, tức là không xưng gì cả.
-Đây nè!
-Có cần dối lòng, viết tốt hơn một chút không.
-Không cần, tốt sẵn rồi!
Tôi cười, như một đứa trẻ, cầm cuốn lưu bút về lớp. Đám bạn cho qua, vì đây là trường hợp ngoại lệ.
Hiển nhiên, tôi không dại dột gì chỉ làm đúng một nhiệm vụ là viết và gấp sổ lại rồi đem trả Yên. Cũng chẳng ai cấm tôi được đọc những dòng lưu bút của những kẻ khác dành cho Yên cả. Ít nhất tôi cũng biết được chút ít những câu chuyện xảy ra với Yên trong lớp, cái lớp mà tôi là hàng xóm.
Nhưng chẳng có gì khác, chỉ là những câu chúc sáo mòn, cũ rích mà dịp nào tôi cũng thấy. Có nổi trội hơn thì là những hình vẽ của một ai đó khá đẹp mà thôi. Riêng dưới một con mắt của kẻ có vai vế đặc biệt như tôi, thì nó có vẻ mờ ám, bởi nó là một bông hoa hồng, được vẽ bằng mực đỏ. Loài hoa và màu sắc tượng trưng cho tình yêu.
-Đẹp ghê mày, ai vẽ khéo thế?
-Xấu chứ đẹp gì, tao vẽ còn đẹp hơn.
Thằng Kiên cận nhấc gọng kính, vứt cho tôi cái nhìn đầy tính nghi ngờ về mặt thẩm mĩ của tôi. Tôi bỏ qua thằng Bạn, lấy cái bút kim tuyến của Nguyệt, ghi thật nắn nót.
Những dòng chữ nắn nót, tôi cố gắng cho nó hoàn thiện, tỉ mỉ cẩn thận, cứ như tôi là một nghệ nhân điêu khắc đang chạm trổ rồng phượng, chứ không phải là viết một trang lưu bút thông thường. Tôi viết theo lối tuỳ hứng. Tức là chưa hết ý này thì nhảy qua ý nọ.
E hèm!
Nhớ lần đầu tiên chứ, lúc đó lỡ co chân sút viên đá trúng xe đạp, chắc lúc đó giận lắm ấy nhỉ. Còn chưa kịp xin lỗi nữa.
Thế mà ba năm rồi đấy.
Rồi một tràng dài, không thứ tự, không chủ đích, những kỷ niệm giữa tôi và Yên càng ngày càng hiện ra, khiến tôi vừa hào hứng vừa viết vừa cười.
-Điên à mà cười, im mồm tao học không tao tát cho bây giờ!-Thằng Phong mập quay sang đe doạ. Tôi giơ cái cùi chỏ khiêu khích nó.
Thằng mập hầm hè tôi chán rồi cắm cúi vò đầu trước bài toán giải chưa xong, còn tôi thì tiếp tục dòng hồi ức vừa bị cắt đứt. Mải miết, quên thời gian và không gian.
-E hèm!, Em nhớ lần đầu tiên, anh hôn em chứ, trúng ngay cái răng làm em sún mất một cái!
-Đi ra, cái thằng này!-Tôi giật mình quát thằng Hưởng.
-Sến kinh hồn!-Thằng Hưởng phán như đúng rồi, nó chỉ đi khi tôi kịp đá vào mông nó mấy cái.
Sến, đùa không vậy? Đấy là tâm sự trong lòng, là cách diễn đạt để khỏi phải giống ai tạo nên sự khác biệt trong mắt người mình để ý đấy.
Tất nhiên, cái việc tôi cầm cuốn Lưu Bút lạ từ ngoài lớp vào không tránh được ánh mắt soi mói của mấy đứa con gái trong lớp. Giữa giờ ra chơi, mấy đứa vây quanh tôi như dân đi đòi con nợ.
-Viết dùm coi?
-Gì mấy nàng, tránh ra cho chàng học bài!-Tôi cắm cúi cố tránh mặt.
-Gì, con gái ngoài lớp thì viết tích cực, còn con gái trong lớp thì không viết là sao.
Đấy, cứ mỗi lần mà tinh thần lớp đã được đề thăng lên cao thì không còn cách nào chối từ được, mà trong lòng tôi, cũng muốn được đặt dấu ấn lên trong lưu bút của bạn bè. Để sau này, khi được nhìn lại, cái hồn nhiên của tuổi học trò vẫn còn.
Và tôi trở thành cái thằng cách tân, phá bỏ cái quy luật dở hơi của mấy thằng bạn. Chúng nó cũng thích chí lắm, lấy tôi làm cớ, cũng nhận lưu bút mà viết lia lịa. Cứ thế, trong những giờ học mà Thầy Cô các môn xã hội chủ động cho học sinh được thoải mái một chút, thì thú vui tao nhã là viết và đọc lưu bút và cười. Đó là những thứ mà đời học sinh, chắc chắn ai cũng phải trải qua.
Dung, vậy lưu bút của Dung ở đâu? Đó là một câu hỏi mà tôi thắc mắc, là một điều tôi còn canh cánh trong lòng.
Nó lòng vòng ở những cái bàn trên, mà chưa hề đi quá nửa lớp, thế nên tuyệt nhiên những thằng xóm nhà lá chúng tôi, chưa hề được nhìn thấy. Cô nàng có cái uy đến nỗi, hầu như nạn nhân nào bị cô nàng nhờ viết, cũng chẳng dám chia sẻ cho ai khác đọc. Lạ lùng.
Những ngày dài chờ đợi, nó như một nỗi ám ảnh với tôi, ngay cả bản thân tôi cũng chưa bao giờ giải thích được. Đơn giản, nó là phạm trù trừu tượng, mà tôi là thằng thích rõ ràng, dù bản thân luôn mâu thuẫn. Thế đấy. Ngó lên bảng học bài, ghi ghi chép chép, đưa mắt nhìn xung quanh và dõng tai nghe ngóng. Cuốn nhật ký ấy đã đến tay ai. Và tự đặt câu hỏi:
-Bao giờ tới lượt mình?
Một câu hỏi, có trời mới biết. Và liệu rằng trời có cho tôi được đặt bút viết vào một trang nào đó trong cuốn lưu bút đó hay không.
Giữa tháng tư. Thằng Phong Mập hân hoan khi nó là thằng đầu tiên được cầm cuốn lưu bút của Dung. Nó hân hoan đến nỗi cứ gặp thằng nào là nó khoe thằng đấy. Tôi giả bộ chửi nó vài câu, chứ thực chất cũng muốn hỏi thăm nó xem, trong đó có những gì rồi.
Ngày hôm sau, thằng Kiên cận nối tiếp thằng Mập nhận được cuốn sổ lưu bút của Dung. Những ngày sau lần lượt là Hưởng, Nhân đen, Hoàng, Linh Vẹo, Long con, Bình Boong, Hà nối tiếp truyền thống. Tôi vẫn chờ đợi dù cho cơ hội chẳng còn bao nhiêu.
Những ngày học kì cuối cùng đời học sinh gần kề, cuốn sổ ấy cũng là người cuối cùng ở dãy bàn cuối cùng. Cả lớp đã có mặt đông đủ, chỉ có tôi là không. Đó là một sự phân biệt, sự đối xử tệ hại, hay một lí do nào khác. Tôi vẫn cố ra vẻ bình thường, trong tâm đã là bất thường.
Tôi không còn hi vọng, và thất vọng với kiểu đối xử của Dung, dù cho cố tình kìm ý nghĩ đó xuống, tôi cũng không thể xoá sạch hoàn toàn.
Những ngày cuối tháng tư, khi những bộ môn đi đến hồi kết, những môn không thi tốt nghiệp được ưu tiên thi trước, tôi đều hoàn thành xuất sắc. Không còn cảm giác ganh đua với cột mốc nữa. Tôi chỉ muốn ganh đua với chính mình vào cùng thời điểm thi năm ngoái. Cột mốc ấy không còn ý nghĩ với tôi lắm.
Những ngày rảnh rỗi trên trường, lên lớp là những giờ tự học, tự thảo luận. Thầy cô cũng chẳng nhắc nhở nhiều bởi những thành phần cá biệt nay còn cắm đầu vào sách vở thì có ai mà quấy nhiễu. Chúng tôi như những con cá chưa biết khi nào lên thớt. Tâm trạng âu lo. Những sĩ tử sắp lao vào một phen cá cược, nơi đó chỉ có kiến thức làm vũ khí, may mắn một chút là giáp mà chiến đấu.
Tôi lơ đễnh ngồi gấp máy bay, gấp theo phong trào. Tụi lớp tôi gần đấy có cái trò, gấp máy bay leo lên tầng thượng và ném. Chiếc may bay giấy gần như ngày nào cũng tồn tại trên sân trường. Chẳng ai trừ điểm, chẳng bác bảo vệ nào la. Tất cả đều mỉm cười và chúc may mắn.
-Tín?
-Gì hả Dung?-Tôi ngước mặt lên ưu tư.
-Ờ..gấp máy bay hả?
Tôi gật đầu, chẳng lẽ cô nàng không nhìn thấy bên cạnh tôi là một loạt máy bay giấy hay sao.
-Nè!
-Gì?
-Viết dùm nhé!-Cuốn lưu bút được chìa trước mặt tôi khiến bản thân hơi ngần ngại.
-Nhớ viết cẩn thận nhé, đừng cẩu thả!
-Mà…sao lại là người cuối cùng!
Dung cười một nụ cười nhẹ, có chút gì đó thú vị:
-Vì người cuối cùng bao giờ cũng có nhiều trang còn trống nhất, thoải mái nhất nên cố gắng viết thật dài nhé.
-À..ra vậy!
Tôi là người cuối cùng, là người chốt cuốn lưu bút này. Liệu người cuối cùng này có phải là quan trọng nhất chưa? Lại hỏi ông trời vậy.
Cách nghĩ đặc biệt làm nên một cô nàng đặc biệt, và cô nàng đặc biệt ấy tạo ra một cuốn lưu bút đặc biệt. Ngay trang đầu là một trang tự sự và những câu chúc:
Những người bạn của tôi!
Rất vui vì được học cùng lớp, được vui đùa cùng các bạn.
Mình chưa bao giờ là người hoàn hảo, nhưng mình có những người bạn hoàn hảo.
Vậy những người hoàn hảo vui lòng ghi thật nhiều vào lưu bút của mình nhé.
Cá chép hoá rồng!
Ở dưới cái bài diễn thuyết ngắn ngủi, cô nàng kiêu ngạo ghi chữ bí thư kí tên. Một sự kiêu ngạo đáng yêu, chẳng ai lại nghĩ nó là đáng trách.
Tôi dùng chính cái bút bi xanh của mình, không hoa mĩ, không óng ả, không nắn nót, không cầu kì, bằng những gì chân thật nhất, là những gì phác hoạ nên tôi bắt đầu hí hoáy.
Không biết nên nói sao nhỉ?
Từ tình bạn, đến tình cảm, rồi lại gần như không phải là bạn, rồi lại là bạn. Rắc rối, mâu thuẫn, nhưng cho dù bất cứ trong hoàn cảnh nào thì Dung vẫn là người đặc biệt.
Cô gái có mái tóc ngang vai, rất lì lợm, cứng đầu, trách nhiệm đến mức cứng ngắc. Nhưng là một người hoàn hảo, tôi bỏ qua cho người nhiều khuyết điểm đấy…..
Tôi nhìn ra ngoài sân, phượng đỏ đã nở. Tiếng ve bắt đầu râm ran. Chỉ còn sự ngắn ngủi thôi, thời gian ơi. Mong hãy dừng lại để chúng tôi được lặng im cùng nhau, được tâm sự, được mỉm cười với nhau lần cuối. Đừng trôi qua nhanh để rồi ai cũng hối hả.
Cô nàng bàn đầu- Rất vui vì được làm quen với cô.
CHAP 60: LÊN ĐƯỜNG!
Những ngày cuối cùng trước khi bước vào kì thi tốt nghiệp, phượng hồng nở đỏ rực sân trường. Cánh phượng ấy rực rỡ với bao đời học sinh, là điểm báo cho mùa thi đang gần kề.
Không bịn rịn nước mắt ngắn dài như năm cuối cấp hai, không có những cái ôm trong nức nở. Ai cũng cố kìm nén cảm xúc của mình, chỉ sợ nó lộ ra như giọt nước tràn ly, sẽ kéo theo những cảm xúc u buồn khác.
Vẫn là những cái áo trắng chi chít chữ kí, những cuốn sổ lưu bút ngày cuối cùng. Chúng tôi đủ lớn để biết rằng, đó là thời khắc mà ai cũng phải đi qua. Tất cả chỉ còn chờ, chờ thời gian trôi thật chậm, thật chậm để cố ghi nhớ, tạo cho nhau những kỉ niệm không quên cuối đời học sinh.
- Giấy báo nè Tín!
-Cảm ơn Dung nha!
-Khách khí quá nhỉ?
Dung ngồi xuống cạnh tôi, kiểu như hai người bạn thân đã hiểu hết nhau vậy. Cô nàng nhìn tờ phiếu thi của trường Đại Học mà cô đăng kí gửi về, một chút gì đó lo lắng, một chút gì đó buồn đan xen.
-Sao thế?
-…!-Dung thở dài đáp lại!
- Lo lắng làm gì, dũng cảm mà đương đầu thôi!-Tôi ngửa tay ra sau tựa vào tường, ngồi ngắm những đứa bạn cùng lớp thật kĩ.
-Tại năm nay, tỉ lệ chọi khá cao!
-Thì thế mới xứng cho Dung thi chứ!
-Thật không?
-Không tin à?
Tôi cười không phải dối trá, mà là nụ cười động viên. Chỉ cần cô bạn ngồi cạnh tôi đây vững vàng tâm lý, thi đúng như lực học bình thường thì cái suất sinh viên trường đại học mà Dung đăng kí thì dư sức.
-Thế Tín thì sao?
-Bình thường mà!-Tôi lén đưa mắt dòm xuống tờ giấy báo thi đại học.
-Ừ, dù sao Tín cũng sẽ đậu thôi mà!
-Ráng thôi, ráng làm sinh viên vậy?
Những thời gian đó, ai chẳng mong ước mình vượt vũ môn, được làm sinh viên đại học, được biết đến không khí giảng đường.
-Tín cố gắng lắm mà, ráng gì, làm bài cẩn thận là được!
-Uầy, đừng có tạo cho tôi cái thói tự mãn chứ cô nương.
-Thế đứng thứ nhất học lực là sao?-Dung nheo mắt nhìn tôi!
-Dù sao cũng đứng bằng cô cơ mà, cô xỉa xói tôi à!
Điểm tổng kết cuối kì vừa qua của tôi cùng với ba người khác đều bằng nhau và đứng đầu lớp. Dù sao, thành quả ấy một phần cũng phải cảm ơn Dung.
-Thế lúc đó..chắc tức lắm hả?
-Tức sôi gan chứ gì, cái mặt chảnh thấy ớn!
-Thế nên mới có người học để chứng minh chứ gì?
-Chứng minh gì chứ, là để hạ bệ và kiếm cơ hội sỉ nhục lại.-Tôi cười khoái trá.
Dung nhìn tôi, và tôi nhìn cô bạn, rồi chợt cả hai cùng cười.
-Mày vui vẻ với Dung thế?
-Gì, thì bạn bè bình thường mà!-Tôi chắc giọng, dập ngay cái tư tưởng suy nghĩ bậy bạ của thằng Phong mập, nhìn Dung bị đám bạn lôi ra kí vào áo, rồi chụp hình chung.
-Nhanh nhỉ, mới đó mà…!- Tôi nghe vị nuối tiếc của thằng Mập trên từng chữ thốt ra từ lời nó nói. Chẳng đáp lại, tôi choàng tay qua vai nó, vỗ vỗ.
-Chỉ mong sau này, bọn mình vẫn cứ thế này thì vui biết mấy.
-Chuyện, bọn mình lúc nào chẳng như thế!
Lúc đó, tôi chỉ nghĩ rằng thằng Mập bạn tôi nói lời dư thừa, nhưng càng về sau tôi mới càng thấm thía điều ước của nó. Những mối quan hệ mới, những cuộc hẹn nhiều hơn, việc học, rồi đi làm chúng tôi được ngồi với nhau là một điều không dễ.
-Mày với Yên sao rồi?
-Bình thường, vẫn cứ bình bình như thế.
-Thế không có gì mới hơn à?
-Không, sắp thi rồi, vớ vẩn!
-Hai thằng kia, ra nhanh cho tao kí, nhanh lên!-Thằng Hưởng đứng trên bảng gọi với xuống lớp.
-Rồi, ra ngay!
-Đi Mập, ra nào, ra chụp ảnh kỉ niệm coi!
Thằng Hải vui vẻ cầm cái máy ảnh, hiển nhiên là vui lòng chụp cho đám xóm nhà lá ồn ào một tấm.
-Cười lên, hai…ba!
Và tôi chắc chắn, chúng tôi đều nở nụ cười, nụ cười vì được quen biết nhau, được làm anh em gắn kết suốt một thời gian dài. Ai cũng hạnh phúc.
Phượng bắt đầu nhạt màu, và đó là khoảng thời gian đầu tháng sáu.
Nhóm chúng tôi đều đậu Tốt Nghiệp hết, nên bắt đầu rục rịch ôn thi chờ ngày vào Thành phố Hồ Chí Minh thi đại học. Cá biệt có thằng Bình và thằng Vũ đều thi khối năng khiếu nên hai thằng đó phải vào trước, tranh thủ ôn thêm. Dù sao, ở nơi tôi sống, những môn năng khiếu đó rất ít người dạy.
Một tháng ôn luyện, tôi vẫn gặp Yên ở lớp học Hoá. Riêng môn Toán, Thầy chủ nhiệm nhất quyết đuổi chúng tôi, không cho học vì một lí do: Hết chữ để dạy. Nên môn Toán tôi sắp nó vào lịch tự ôn luyện.
-Nè!
-Sao?
-Có gì muốn nói không?
Yên rụt rè, chuẩn bị đến cái ngã ba, hai đứa rẽ ra hai hướng thì hỏi tôi. Cũng phải thôi, đã là ngày cuối cùng kết thúc lớp ôn thi. Và chỉ một hai ngày nữa, chúng tôi sẽ cùng nhau là sĩ tử lên đường dự thi.
-Không.!-Tôi lắc đầu nguầy nguậy.
-Chắc không!-Yên không tin vào tai mình, gặng hỏi lại một lần nữa.
-Chắc mà cô sinh viên!-Tôi dí dỏm cầu chúc.
Yên tập trung lấy hết can đảm:
-Không, chuyện khác kia!
-Chuyện gì…?-Tôi hờ hững.
-Đồ ngốc, Yên về đây..!
Tôi nhìn cô nàng từ đằng sau, cười một mình. Không phải tôi ngốc khi không biết ý Yên là gì, nhưng tôi không thể nói ra lúc này được.
-“Lỡ mình….”!-Tôi lắc đầu nguầy nguậy, cố vứt cái ý nghĩ xui xẻo xuống đường và bỏ rơi nó đạp xe đi thật nhanh.
Gió thổi, trăng lấp ló, tôi đạp xe dưới ánh đèn đường vàng.
-Chờ khi nào là sinh viên Tín sẽ nói!
Tôi không kìm được cảm xúc, hét lớn đến nỗi mấy người đi đường quay lại nhìn. Xấu hổ, tôi nhấn mạnh pê- đan đạp hết tốc lực.
Bữa ăn tối ngày 29-6-2008, bữa ăn gia đình trước khi tôi lên xe để đi thi đại học. Một ngày đáng nhớ, khi tối hôm đó là trận chung kết Euro giữa Đức và Tây Ban Nha. Mặc dù tôi đã xin đi sớm, hoặc muôn hơn một ngày, nhưng vì lí do ngày đẹp mà Mẹ tôi đưa ra thì tôi cũng không dám cãi lại.
-Bình tĩnh mà làm bài thật tốt nha con!
-Dạ!
-Cẩn thận, không việc gì phải lo!
-Vâng!
-Kiểm tra giấy tờ, giấy dự thi hết chưa?
-Dạ, rồi ạ!
19h00 ngày 29-06-2008, tôi bước lên chuyến xe đưa tôi xuống thành phố Hồ Chí Minh dự thi đại học. Trên chuyến xe đó, ngoài thằng Linh Vẹo ra thì tôi chẳng thấy đứa bạn nào chung lớp cả. Toàn những đứa cùng khối với tôi được bố mẹ kèm cặp đi theo, chứ đâu có oai hùng như tôi, đi một mình. Dù cho Ba tôi đã nhiều lần muốn đi chung, nhưng tôi viện cớ, có ông anh trời đánh của tôi chở đi thi nên Ba tôi mới thôi.
-Nhìn cái gì đó mày?-Thằng Linh Vẹo nhìn tôi đang ép cái mặt sát cửa kính.
-Nhìn.?
-Có gì hay mà nhìn?
-Nhìn trường!-Tôi đáp gọn lỏn.
Và thằng Linh cũng cố chen lại gần cửa kính hơn, đưa mắt nhìn ngôi trường trong ba năm học, chỉ có ánh đèn le lói giữa các tầng, phòng bảo vệ. Ngôi trường mất đi vẻ sôi động thường ngày, nằm im lìm trên đất Núi.
Hai thằng tôi cứ giữ nguyên tư thế, cho đến khi khung cảnh trở nên lạ lẫm mới quay lại nói chuyện với nhau.
03-07-2008, Tôi làm thủ tục xong, ra khỏi phòng thi. Ông anh trời đánh chở tôi chạy dọc mấy con phố với làn xe cộ đông đúc. Trong khi ông anh luyên thuyên kể trên trời dưới đất, đồng thời giới thiệu cho tôi những địa điểm nổi tiếng vừa đi qua, thì tôi lẩm nhẩm mấy công thức căn bản một lần nữa.
22h cùng ngày, tôi nhắn tin cho hầu hết cả lớp, chúc thi tốt, dặn bình tĩnh. Và chìm vào giấc ngủ. Tiếng ồn ào, tiếng còi xe vẫn văng vẳng bên tai.
04-07-2008. Tôi nhắm mắt thật chặt, rồi từ từ mở ra. Nhìn cái đề Toán tổng thể một lần thật lâu. Sau đó nháp kĩ lưỡng từng bài một. Những câu khó thì động não cắn bút. Canh lượng thời gian thật kĩ rồi làm bài.
Cứ thi xong một môn là tin nhắn đến dồn dập, từ gia đình và bạn bè.
05-07-2008, tôi hoàn thành xong môn thi cuối cùng khối A. Xem lại kĩ càng bài giải và đáp án, tính điểm số thật gắt, cảm thấy ngày mình làm sinh viên cũng không còn xa.
Tôi nán lại thi nốt khối B, và cương quyết từ chối thi Cao Đẳng trong cái gật đầu miễn cưỡng của Ba Mẹ. Coi như kì thi của tôi kết thúc.
-Ngon mày!-Thằng Mập nghe tôi báo tin đỗ đại học chúc mừng.
-Ừ, cũng hên thí bà!-Tôi đưa tay ngay mũi cười hà hà.
-Tao thì không được như mày!
-Vớ vẩn, mày cũng dư sức đậu nguyện vọng II chứ gì, thích thì năm sau thi lại tiếp.
Nó rụt vai, thè lưỡi.
Buổi họp lớp sau kì thi đại học, thường không bao giờ đủ sĩ số. Mỗi người mỗi kết quả, nên không ai có thể hoà vào niềm vui chung được. Hiển nhiên Dung là người có mặt.
-Bao giờ thì Tín đi!
-Mấy ngày nữa!
-Gấp vậy à?
-Ừ, vào làm thủ tục, rồi còn học quân sự sớm nữa!
-Mày không ở lại ăn liên hoan tao à?-Thằng Hưởng nhảy lên ghế, hỏi tôi!
-Tao cũng muốn lắm ấy chứ!-Tôi xuôi xị mặt, thằng bạn thấy thương mới không trách cứ.
-Thế Yên với Tín sao?
-Sao là sao.?-Tôi nhấp ngụm cà phê nhìn Dung.
-Thì…….!
-…!-Tôi lắc đầu và mỉm cười.
-Vậy là tạch!
-Ừ!-Tôi nhẹ nhàng đặt ly cà phê xuống, đáp lại thằng Hoàng.
Và tất nhiên lý do, cũng chỉ một mình tôi với Yên là người hiểu nhất. Là mặc cảm, một thứ mặc cảm to lớn khi Yên cũng không đậu được cái ngành Y mà cô ao ước. Tôi cũng không hiểu nổi, tại sao lại như vậy!
Ngày tôi đóng gói đồ đạc, vác balo lên vai, chuẩn bị bước vào cuộc đời mới. Từ phòng trọ, đến vật dụng, đến ăn uống phải tự lo. Tôi hào hứng với cuộc đời tự lập bao nhiêu, thì Ba Mẹ tôi lo lắng bấy nhiêu.
-Ráng giữ gìn sức khoẻ nha Con!
-………!
-Ăn uống đúng giờ, uống ít cà phê thôi!
-Dạ.!
-Khi nào rảnh thì về nhà chơi!
-Vâng ạ!
Tôi xách balo lên vai, bước vào cuộc đời sinh viên, vắng mặt đứa con út trong nhà, hẳn Ba Mẹ tôi buồn lắm. Tôi nhìn lại ngôi nhà lần cuối, vẫy tay tạm biệt Mẹ rồi theo Ba tôi ra bến chờ xe.
-Dạ con đi!-Tôi nhìn Ba tôi, rồi yên vị trên cái ghế tôi đã đặt chỗ.
Này, Ngốc đi học đây. Đừng buồn nhiều quá, cuộc đời còn dài mà. Mà Yên đi học khối A cũng được, nếu thích năm sau thi lại tiếp, Tín sẽ đưa Yên đi thi!
Tôi định nhắn như thế, nhưng trong cái màn hình điện thoại, chỉ vỏn vẹn mấy chữ:
Tín đi nhé! Đừng buồn nữa!
Không một tin nhắn trả lời, dù sao tôi cũng yên lòng khi tổng đài tin nhắn báo về là đã gửi thành công.
Năm năm sau, cuộc đời của mỗi đứa đi theo những hướng khác nhau. Thú vị, bất ngờ và có cả chua xót. Đứa ra trường đi làm, đứa vẫn chạy từng nơi xin việc, đứa đang cố gắng hoàn thành nốt chương trình học theo đúng lịch cũng có mà vướng môn chưa ra trường cũng có. Đứa đi làm ở xa, đứa đi du học. Vẫn thỉnh thoảng online chát chít và nhắc về những kỉ niệm lúc xưa.
-Cà phê mày, quán mới!
-Quán nào?
-Đi rồi biết, tiếp viên xinh cực!
-Rồi, xinh thì đi, xấu mày trả tiền!
-Tối nay nhé, nhớ đấy, mày là chúa dây thun.
-Khà khà!
Tôi cúp máy, lại một cuộc hẹn gặp nhóm nhà lá, dù không đủ hết thành viên, nhưng như thế cũng đủ vui rồi. Sau bao năm, đám bạn tôi vẫn như thế, có chín chắn hơn, trưởng thành hơn, nhưng cái điệu tếu táo thì không lẫn đi đâu được.
-Đi chơi không bạn?
-Đi đâu, mà với ai vậy!
-Thì đi với Tín mà Yên phải sợ à!
-Thôi, đi với ông tôi mới sợ đấy!
-Đi uống cà phê với một hai đứa cùng lớp.
-Thôi……..ngại lắm, đi một mình đi nhé!
Yên cúp máy, tôi thay quần áo, lấy xe đi một mình. Những năm đại học, tôi vẫn cứ một mình như thế, đâm ra thành thói quen. Hiển nhiên từng ấy năm tôi cũng đã rung rinh vài lần, ở cấp độ nặng hơn. Cuối cùng không hợp nhau nên cũng chia tay. Nhưng không sao cả, chỉ bởi vì tôi chưa gặp được người phù hợp thực sự. Dù sao, đó cũng không phải là điều tồi tệ.
-Đây rồi, nhanh lên mày, kia kìa!
-Rồi, xấu hoắc!
-Xấu cái đầu mày!
-Thì đẹp hơn con bé này chút được chưa?
-Ê, sao lại lôi tôi vào?
-Thì cô là mặt bằng chung mà!
Tôi ngồi xuống, và đám bạn chúng tôi rục rịch những câu chuyện phiếm như lúc trước. Có chăng là trong khung cảnh khác, trang phục khác, và một địa vị khác. Nhưng tâm hồn thì vẫn như ngày xưa, những người bạn hoàn hảo.
Vậy là chúng ta đã đi hết đời học sinh trong Học Sinh Chuyển Lớp. Tôi, không biết nói gì hơn, cảm ơn, cảm ơn tất cả. Những lời động viên, thăm hỏi, những sự theo dõi của các bạn suốt thời gian qua. 160 chap, có lẽ là dài, nhưng nó lại quá ngắn với đời học sinh. Hi vọng các bạn có thể tìm lại được chút “Mình và bạn Mình” trong câu chuyện của tôi.
Cảm ơn tất cả mọi người-Hi vọng hữu duyên thiên lý năng tương ngộ