CHAP 55: HAI MẶT TRẬN.
Vậy là những ngày cắm cúi cho mục đích trả thù của tôi cũng bị xen ngang bởi một hoạt động mà tôi đã được mấy chục con người trong lớp tín nhiệm đưa lên làm cán sự, một trong ba người cán sự Đoàn. Trời hại người hiền lương chăng?
Vì thời gian còn rất ít nên cứ mỗi chiều chúng tôi tập khoảng một đến hai tiếng ở những vị trí không cố định. Có khi là hội trường của Trường, có khi là nhà của bất kì ai, mà theo đánh giá là gia chủ nhiệt tình, nồng hậu, tiếp đãi chu đáo và nhà thì không thiếu gì trái cây.
-Ê, vươn ra hái dùm tao quả ổi đó đi mày!-Hằng bán chanh ở dưới hét lớn, hối thúc thằng Linh vẹo.
-Xa tít mù, dẹp đi!-Thằng Linh chuyển cành như khỉ đu cây, vút một cái đã bay sang cành đối diện.
Nó thảy từng trái ổi to bự, nhìn là muốn cắn cho ngập hai hàm răng trong đó rồi. Thằng Phong không kiềm chế được cơn thèm ăn đang dâng lên ngang cuống họng, nuốt nước miếng đánh ực một cái.
Thằng Linh làm xong nghĩa vụ, ôm thân ổi tụt xuống. Tiếng rèng rẹc kéo theo dài vô tận, nghe ớn lạnh tới tận xương. Bao nhiêu cái ngơ ngác nhìn lại nó, rồi phá lên cười.
-Ha ha, rách quần rồi!-Hằng bán chanh phá lên cười, trả thù luôn thằng bạn.
-Ế, cẩn thận rách cái nguy hiểm hơn đó mày!
-….!-Mặt thằng Linh vẹo dần chuyển qua đỏ, rồi tím ngắt. Nó ôm đủng quần phóng vội vào nhà, đòi thằng Kiên cận phải đổi quần cho nó.
-Trời đẹp thật là trong xanh.
Có anh leo ổi, rách banh cả quần!-Thằng Phong mập cắn quả ổi ngọt xớt, tức cảnh sinh tình làm thơ.
-Nó tèo rồi, tạm biệt thằng bạn, đón cô bạn mới nào!-Thằng Hưởng vào nhà thằng Kiên cận hét toáng lên.
Cái trò chọc quê thằng Linh còn dài dằng dặc nếu Dung không nghiêm mặt, hùa từng đứa vào vị trí tập luyện.
-Giờ phần kịch ra sân tập, còn các bạn hát thì trong nhà!
Cả đời tôi đi học, chưa tập thể loại kịch nào mà nó chua chát đến cỡ vậy. Tập theo nội dung nhạc, mà bài đầu tiên là Ngày đầu tiên đi học. Tức là tôi đóng vai một thằng nhóc tì khoảng năm sáu tuổi, vẻ mặt cứ phải ngô nghê, vừa đi vừa sụt sùi, vừa phải có một động tác gì đó gây cười cho khán giả.
-Cho nó bú bình đi!-Thằng Hưởng ngó đầu ra ngoài, phát biểu một câu chẳng liên quan đến phận sự của nó. Ấy vậy mà cả lũ bạn tôi lại gật đầu ưng ý. Chẳng hiểu chúng nó nhiệt tình hay cố tình triệt hạ hình tượng của tôi mà năm phút sau tôi đã có một cái bình sữa cho trẻ em ngậm.
-Kéo quần lên một tí, quá rún ấy!-Thằng Phong mập chờ bạn diễn của nó ra, cũng rảnh rỗi góp ý.
Tôi phải giả bộ khóc thút thít, vai đeo cái cặp năm anh em siêu nhân Gao, quần kéo quá rún, tay cầm bình sữa mút chùn chụt, tay kia thì Mẹ Trang đang dắt đi.
-Con ngoan, đừng khóc!-Nó đóng hơn cả thiệt nữa.
Và Mẹ Trang giao tôi cho Cô Dung đang nghiêm nghị nét mặt, nếu mà tôi là con nít thật chắc là tè cả ra quần chứ chẳng chơi.
-“May mà Dung không đi sư phạm mầm non”!-Tôi thì thầm trong bụng, miệng cứ mếu máo ú à ú à mãi không thôi.
Dung quả là làm việc gì cũng nghiêm túc, cô nàng diễn xuất rất đạt, dắt tay tôi, vỗ vỗ lên vai. Khổ một điều tôi cao hơn cô nàng, nên Cô giáo phải nhón lên cao mới đưa lên được. Đưa tôi vào lớp mẫu giáo, ở đó tôi gặp thằng bạn khốn nạn của đời tôi là thằng Phong mập.
Theo diễn xuất, cứ như thế, Cô Dung sẽ để tôi lại lớp sang lo cho các bạn khác, thằng Mập sẽ tranh thủ cướp sữa của tôi lên mút chùn chụt. Cô sẽ chạy lại, nhẹ nhàng la thằng Mập và trả bình sữa cho tôi đang nằm giãy đành đạch giữa sân.
-Ngày đầu tiên đi học, em nước mắt nhạt nhoà!-Tiếng hát trong nhà vang lên.
Chúng tôi cứ phải tập đi tập lại cho thuần thục đến nỗi tôi thút thít nhiều quá mà nước mắt rơi ra thật. Tụi bạn nhìn tôi mà phì cười, trong kia mấy cái miệng từ nãy tới giờ vẫn phải há ra mà hát. Còn khán giả thì ngồi ăn ổi, vừa được xem kịch nghe nhạc miễn phí, còn được cái đặc quyền góp ý sửa đổi, rồi chê bai đủ thứ.
-Chết mày nhé, lên sân khấu ráng mà rặn ra nước mắt!-Thằng Phong mập chọc tôi.
Tôi né cục đá trên con đường đi học, thể hiện tay lái lụa trên con chiến mã, quay sang chọc lại nó:
-Thế thằng nào phải mặc quần lửng, đi tất, mặc áo có đai lên sân khấu, trông mày còn thảm hơn tao đấy!
-Ơ..tao bỏ diễn cho coi!
-Mày hỏi kia kìa rồi bỏ thì bỏ!-Tôi đá mắt sang Dung, thằng Mập im lặng ngay, chẳng dám ý kiến gì nữa.
Gần như toàn bộ những bạn đi tập văn nghệ sẽ đi học thêm Toán sau giờ học. Một số không học thì ai trở về nhà nấy. Trong cái đám học sinh nhí nhố đạp xe đến nhà Thầy thì tuyệt nhiên Dung với tôi chẳng mấy khi nhìn nhau được quá hai giây.
-Tín làm gì mà mồ hôi nhễ nhại vậy?-Yên vừa bước vào lớp, quay lại nhìn tôi mồ hôi nhễ nhại.
-Tập văn nghệ đó!
-À há, tập gì mà mệt vậy!
Tôi khoác lác rằng kịch lớp tôi là một vở kịch pha trộn giữa bi và hài kịch, từ cổ đại cho tới hiện đại. Ở vở kịch đó tôi đóng vai một dũng sĩ đi vật nhau với quái thú nên tình cảnh mới te tua vậy.
-Kịch gì hấp dẫn vậy?
Cô nàng đâu có biết việc hôm nay của tôi chỉ là ngậm bình sữa, khóc rống lên khi bị thằng Mập ăn hiếp đâu cơ chứ. Mấy thằng bạn tôi ngồi xung quanh cười hềnh hệch trước tài bịp bợm của tôi làm Yên nghi ngờ.
Buổi học Toán hôm đó vắng thằng Linh vẹo, do cái quần lủng đáy của nó không cho phép nó tự tin đến lớp.
Tôi cực kì tập trung, hầu như cứ giải xong bài tập nào Thầy cho thì đều mở sách ra xem thêm mấy dạng nữa. Cứ như kiểu, chỉ cần thời gian rãnh rỗi là tôi sẽ làm một điều gì đó xằng bậy, nên tôi ép mình phải hoạt động tối đa.
Dung là một đối thủ khó nhằn, dù tôi tự phụ mình là đứa thông minh hay tự huyễn hoặc bản thân mình là đứa nhanh nhạy, thì tôi cũng hiểu rằng, cần phải tích cực thì mới có cơ hội vượt qua cô nàng.
Trên bàn đầu, Dung cũng có vẻ ung dung khi giải xong bài Toán Thầy vừa cho, đang chỉ bài cho Hằng bên cạnh. Yên ngay sau đó cũng hoàn thành xong nhiệm vụ của mình.
-Gì mà đăm chiêu vậy Tín?
-Hở….à không, có gì đâu!
-Thiệt không?-Yên nheo mắt.
Tôi nhìn xuống bàn, lắc đầu nguầy nguậy, vì ánh mắt của Yên rất có ma lực. Nó quyến rũ tâm trí, mà nếu bạn lỡ nhìn vào, nó sẽ biến bạn thành một đứa ngô nghê, dốc hết tâm can của chính mình ra mà trình bày.
Học xong buổi học thêm, tôi trở về nhà. Dùng xong bữa tối là ngồi lì học đến khuya mới chịu ngủ. Danh sách lịch trình hằng đêm của tôi là khoảng hơn một tiếng cho các môn xã hội cho hôm sau. Ba mươi phút luyện anh văn hằng ngày, mà có khi tôi cắt giảm hoặc bỏ qua. Nghỉ giải lao một chút, rồi cắm đầu và quên mất thời gian với những môn tự nhiên. Cứ mỗi lần mắt tôi díp lại, hình ảnh Dung nói tôi và Thằng Hà lại hiện lên rõ mồn một. Nó như một luồng sức mạnh dựng tôi dậy, ngồi nghiêm túc và hí hoáy tiếp. Nhiều khi tôi gục luôn trên bàn, ngủ quên lúc nào không biết, nếu không có Mẹ tôi thỉnh thoảng ra xem cậu con trai thế nào không khéo tôi biến thành thức ăn của Muỗi mất.
-Ế mày, cái này làm sao mà nhớ!-Thằng Hoàng quẳng cuốn Atlat Địa Lý trước mặt tôi.
-Cái gì?
-Mười ba tỉnh miền Tây Nam Bộ, sao nhớ, sắp kiểm tra rồi!
-An Giang, Tiền Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Long An, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Sóc Trăng.
-Mày đọc thế ai mà nhớ?-Nó nỗi quạu đẩy cánh cửa xe bus bước lên.
-Thì bốn tỉnh Giang mày đọc trước. Đến Ba Tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Long An thì tên cuối tỉnh này là đầu tỉnh kia.
-Ờ, ờ, thế mấy Tỉnh còn lại!
-Bảng chữ cái chứ sao. Theo đó mà đọc!-Tôi càu nhàu trong khi cuốn Lịch Sử vẫn còn cầm trên tay.
-Ơ, thằng này vậy mà khá, có bí quyết gì chỉ tao với nữa!-Thằng Nhân đen ngồi băng ghế trên, quay xuống nhìn tôi.
Chẳng lẽ tôi phải khai với nó rằng, do hận thù với Dung, muốn vượt qua cô nàng nên tôi nảy sinh ra nhiều sáng kiến và phương thức học tập mới giúp bản thân tiếp thu kiến thức nhanh hay không? Chỉ có điều, những môn học trước đây tôi run cầm cập trong các giờ kiểm tra bài cũ hay mười lăm phút đột ngột, thì giờ tôi hoàn toàn tự tin. Cảm giác kiến thức của mình được nâng cao hơn, rộng hơn, chắc chắn hơn.
-Tín, lên bảng giải câu này!
Chỉ có điều, có một môn tôi học mãi, rèn luyện mãi thế nào nó cũng không khá hơn là bao. Đó là cái môn mà tôi phải lên bảng hôm nay. Tôi đứng cầm viên phấn, nhịp nhịp vào bảng mà chẳng gõ ra được cái ý tưởng hoặc chút kiến thức nào cả.
Thầy dạy Anh Văn ngó xuống lớp, cả lớp im thin thít. Rõ ràng đó là một câu hỏi khó. Bí bách Thầy đành nhờ cây Anh Văn số một của lớp lên Bảng.
-Dung, lên làm thay cho bạn!
Cảm giác Dung lướt qua tôi, trong đầu tôi hình dung ra một cô bạn ngạo nghễ, nhìn tôi không bằng nửa con mắt. Ngông cuồng yêu cầu tôi phải nhìn lên bảng xem cô ta trổ tài. Đó là một điều sỉ nhục đối với chính bản thân tôi.
Tôi cau mày bao nhiêu, tay cầm quyển sách English 12 chặt cứng đến thế nào thì Thầy cũng gật gù tán thưởng khi Dung chỉ mất chưa đầy một phút để hoàn thành. Đẳng cấp là đây, chỉ là một phút đối với Dung, nhưng với tôi chẳng khác nào cả thế kỷ.
-Thôi, đừng buồn nữa, câu đó cũng khó mà!-Nguyệt nhìn tôi trầm buồn, lên tiếng vỗ về an ủi.
-Ờ, không sao đâu!
Tôi biết câu trả lời của tôi không qua mặt được Nguyệt. Con trai, nhất là một thằng con trai từng bị cô nàng “hạ nhục” thì việc đó chẳng khác nào là một nỗi đau. Lựa lúc Nguyệt đi ra ngoài, tôi lấy bút viết vào cuốn sách Anh Văn.
-Những gì Dung làm được thì mày phải làm được, còn những gì người ta không làm được thì mày phải làm tốt hơn!
Cứ như thế, Dung trở thành một cột mốc trong thời gian khắc nghiệt mà tôi mong muốn vượt qua.
Buổi chiều cột mốc ấy lại trên cơ tôi khi thường xuyên góp ý trong lúc tôi diễn xuất. Điều đó càng làm tôi trở nên căng cứng, gượng gạo. Cái vai diễn của tôi trở nên vô hồn.
- Ê, đạp nhẹ nhẹ thôi mày!
Tôi giải toả tâm trạng bằng cách đạp thằng Phong trên xe đạp xuống đất khiến nó đau điếng. Dung nhăn mặt nhìn tôi không vừa lòng.
-Dung im lặng chút được không!-Tôi nói nhẹ nhàng, nhưng trong đó là biết bao nhiêu trạng thái, mà bức xúc là chủ đạo.
-……!-Dung im lặng hiểu ý tôi.
Cảnh diễn là lúc tôi và thằng Mập lớn lên với nhau, trở thành những thằng học sinh cấp ba. Hoàn cảnh giờ thì trái ngược với hồi nhỏ, tôi toàn ăn hiếp nó. Hôm nay tôi chở nó đạp xe chầm chầm đi đá banh, vô tình gặp một cô gái rất xinh, do lớp phó học tập thủ vai. Tôi phải thể hiện tình bạn bằng cách đạp nó rớt xe, và chạy đến tán cô nàng xinh đẹp đang đi bộ lững thửng.
-Đạp nhẹ thôi nha mày!
-Ừ, tao biết rồi!-Tôi nhìn thằng bạn xoa mông rên rỉ mà thấy tội nó.
Cuối cùng, thằng Phong phải té thêm ba lần nữa thì cảnh diễn mới trở nên tạm thời hoàn hảo. Trong nhà, mấy đứa hát đồng ca thì tập xong từ lâu, ra ngoác miệng nhìn thằng Mập té lăn lóc dưới đất. Tất nhiên nó té chủ động và có ý đồ, chọc ghẹo khán giả.
-Này, của mày!-Thằng Kiên cận rót nước cho tôi trong lúc nghỉ tập.
-Ờ, cảm ơn thằng đẹp trai tốt bụng!-Tôi đón ly nước ngửa cổ uống một hơi hết sạch không còn một giọt.
Dung đến bên hai đứa tôi, thằng Cận hiểu ý, nó lấy cớ ra với Trang bỏ lại tôi.
-Nãy, Dung hơi…!
-Không sao đâu, Tín cũng nóng quá!-Hai tay tôi xoay xoay ly nước, từng khuôn mặt tôi hiện lên theo từng cạnh thuỷ tinh xoay qua.
-Ừ, mọi người vất vả rồi!
-……….!
-…………!
Hai đứa tôi ngồi im, xem lũ bạn đang chí choé dành nhau bịch trái cây vừa mua về. Giữa hai đứa bỗng trở nên ngại ngùng, một cách khó hiểu. Dung mở cặp, đưa cho tôi cuốn sách anh văn.
-Tín cầm đi, dạng bài hồi sáng.
-Thôi, khỏi cần!-Tôi lại xoay chiếc ly, từ chối!
-……!-Dung im lặng.
-…Tín tự học được mà!-Tôi có cảm giác mình vừa có điều gì đó không phải, không phải với lòng tốt của cô bạn.
Nhưng tôi phải làm gì, khi tôi đã tự hứa rằng mình vượt qua Dung bằng chính sức lực của mình. Tôi đã gạt bỏ cô gia sư Yên, thì há gì tôi lại nhận chính ân tình của kẻ địch chứ.
Dung gật đầu, chào tôi ra về. Cuốn sách anh văn vẫn để bên cạnh tôi. Một đối thủ lì lợm, cứng đầu. Tôi cũng không đủ dũng khí để từ chối một lần nữa. Đành lẳng lặng bỏ nó vào ba lô.
CHAP 56: THAY THẾ?
Cuốn sách anh văn nằm gọn trong ba-lô tôi, nhưng dù có yếu lòng đến thế nào, tôi đều kìm nén hết mức có thể, để không phải dở một trang trong đó ra xem nó có nội dung gì.
Những ngày cuốn sách Anh Văn xa chủ, nó bị ghẻ lạnh đến mức tận cùng, bởi cái kẻ tạm thời thay thế nó ngoài cái tên đề và màu sắc ra không đụng đến một trang. Và đó chính là trò chơi mà số mệnh đã sắp đặt, sắp đặt để trêu ngươi con người, và tôi buộc phải tham gia trò chơi đấy theo một cách bị động nhất.
Cuốn sách đó còn chứa một nỗi tâm tình khác, và tôi đã không có cơ hội đọc để rõ hơn về một con người.
Tôi ôm cái chữ Tín niệm đến cố chấp, cố chấp đến cực cùng quyết tâm không nhận sự ban ơn của chính đối thủ. Tôi muốn sự công bằng, dù cho đó chỉ là sự công bằng với chính bản thân tôi, còn người ngoài hay chính Dung nó chỉ là một con số không tròn trĩnh.
Những ngày tiếp theo, cho dù chạm mặt ở bất kì nơi đâu, trường học, lớp học thêm, những buổi diễn văn nghệ, tuyệt nhiên không đứa nào nhắc tới mối liên kết duy nhất, cuốn sách Anh Văn có được tôi đối xử tốt hay không. Tuyệt nhiên là không.
Còn tôi với Yên, dần dần trở nên thân thích đến nỗi ngay cả những việc nhỏ như con thỏ cũng được đem ra chia sẻ hoặc được dùng làm chủ đề cho những câu chuyện chính hàng ngày.
- Hôm nay Ba mang về hai con thỏ, xinh lắm!
Yên không kìm hãm được tình yêu động vật, vừa gặp tôi ở ban công là khoe ngay. Tôi chỉ cười hoặc hỏi han thêm bớt, mong sao cho câu chuyện càng dài càng tốt. Bởi tôi muốn tìm một nơi mà tôi cảm thấy yên bình, không phải là tôi của những trò nghịch ngợm bên lũ bạn, cũng không phải là tôi ngoan ngoãn ở nhà. Mà là một tôi khác, tôi của sự yên lặng, trầm tĩnh.
-Thế hai con thỏ đó nuôi ở đâu!
Và như thế Yên sẽ kể vanh vách rằng chúng sẽ được sống trong cái chuồng gỗ, được ăn những lá dâm bụt xanh mơn mởn, được vuốt ve ôm ấp suốt ngày bởi hai chị em cô. Yên hăng say, rồi chợt nhận ra tôi kém vẻ hào hứng thì cũng dừng lại.
-Nè, Tín, môn Anh Văn sao rồi?
-Không, bình thường, có chút tiến bộ.
Có thể tôi không có nhiều ưu điểm, nhưng nếu là có thì nó thật là khủng khiếp. Cũng như việc tôi thường có ngay một lí do để lấp liếm sự thật vậy. Có chút tiến bộ nào kể từ khi Dung hạ bệ tôi một cách thuyết phục để khai sinh ra cái định lý Một phút.
-Chắc không vậy?
-Yên không tin à?-“quái nhỉ, sao hôm nay lại nỗi tính nghi ngờ rồi”.
-Không phải, nhưng mà…..!
-…………!
-Vậy thì cá độ đi!
-Cá độ?
Chẳng hiểu Yên đang định làm gì, hay muốn nghĩ sao, tôi gật đầu cái rụp đồng ý ngay tắp lự. Cá độ sẽ là một khía cạnh mới giữa tôi và Yên, sẽ là một mối dây liên kết mới được khai sinh, khi những câu chuyện phiếm trước đây dần trở nên cũ kĩ, kẽo kẹt sắp đứt.
-Thì môn Anh Văn, ai cao điểm hơn người đó thắng?
-Chỉ môn Anh Văn thôi?-Tôi hơi lạnh sống lưng.
-Sao, chẳng phải Tín nói có chút tiến bộ sao!-Cô nàng nheo mắt dùng chính những câu nói của tôi thòng tôi vào bẫy.
Hiển nhiên, tôi đâu có ngu mà chui vào không chút phản ứng. Tôi sẽ diễn thuyết đủ những khía cạnh như: Yên vững hơn tôi, rồi còn thời gian mấy môn khác nữa, đâu có thể nào bỏ qua được.
-Vậy thì cá tổng điểm ba môn thi đi!-Yên nói với vẻ tự tin. Và điều đó khiến tôi không còn phải nhân nhượng.
-Vậy Tín khối A ba môn Toán, Lý, Hoá.
-Yên khối D, ba môn: Toán, Văn, Anh.!
-Điều kiện!
-Dẫn người thắng đi ăn xả láng!
Đơn giản đó chỉ là một cú áp phe hoàn hảo để tạo một mối dây liên hết, hay nó đơn thuần chỉ để tôi có thể gạt bỏ về những gì thuộc về quá khứ. Cá cược và thách đố.
Tôi với Yên cá cược về kinh tế, hiển nhiên, còn Dung là về tinh thần. Dù là gì đi chăng nữa, tôi sẽ có động lực để mình không phải đứng dưới trướng hai cô nàng. Đó là một điều tốt.
-Tập trung vào Tín!
-Dạ!
Cô dạy Văn nhắc nhở khi tôi đang mải mê suy nghĩ trong lớp. Nếu không nhờ những thái độ tích cực cộng thêm điểm số đang được cải thiện gần đây, có lẽ tôi bị mời ra khỏi lớp chứ chẳng chơi.
-Các em chuẩn bị thi giữa kì, nên tập trung ôn thi, còn giành thời gian để ôn mấy môn khác nữa. Thời gian không còn nhiều đâu.
Thời gian không còn nhiều như là một liều thuốc kháng khuẩn, con vi khuẩn mà y học đã nhiều lần bó tay-Vi khuẩn lười. Một kiểu nhắc nhở đầy những tính răn đe, kiểu như roi vọt dành cho mấy thằng nhóc tiểu học đòi Mẹ phải mua cho con thứ này thứ nọ, nếu không nó sẽ nằm lăn ra giữa nhà mà tru tréo vậy.
Thời gian giờ đây trôi mỗi lúc mỗi nhanh hơn. Nó còn được tô điểm bởi cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh đại học. Bao nhiêu lời bàn ra tán vào càng mạnh mẽ.
-Mày tính thi trường gì Tín?
-Chưa biết, tao chưa xác định được!-Tôi nhún hai vai, một kiểu hình thể rằng tao chịu.
-Sắp ghi phiếu rồi mà mày còn nhởn nhơ được!-Thằng Hoàng ngồi thở dài.
-Mày thì ngon rồi, đi theo cái ước mơ Điện, điện tử của mày đi!
Nó vò đầu sầu não hơn nữa, kiểu như có quá nhiều lựa chọn, tư vấn làm nó phải đau đầu. Nó biểu lộ ra mặt, còn tôi thì bình tĩnh hơn, giấu trong lòng. Chính tôi cũng là nạn nhân như nó chứ có hơn gì. Tôi chỉ xác định được rõ ràng là tôi thi khối A, vâng, ngoài ra chẳng có gì hơn thế cả.
-Mày thì sao Phong mập?
-Tao thì Ba tao chọn rồi, xây dựng!
-Mày đùa tao à, mày tướng thế này sao vác gạch trộn hồ được!-Thằng Hưởng nhảy vào chế giễu, thằng Phong vẻ mặt sầu não hơn không thèm tranh cãi.
-Mày nghĩ tao muốn học à?
-Thế mày muốn làm gì?-Tôi ngoáy tai nghe ước mơ của thằng bạn.
-Nhà thơ!
Cả đám bọn tôi trợn tròn mắt, há mồm cười ngoác đến mang tai. Thằng Hưởng có vẻ cảm thông, vỗ vai thằng bạn:
-Thôi, về với xây dựng đi!
Chí ít, thằng Mập nó còn muốn biết rằng ước mơ nó là thế nào, muốn làm những gì. Chúng tôi chỉ chọc nó, chứ chưa bao giờ chế giễu. Chính tôi, ở khoảng thời gian đó cũng không rõ ước mơ mình sẽ làm gì, muốn được theo đuổi ngành nào.
Đời sống không mục tiêu, thì con người là xác vô hồn.
Nhưng chí ít, mục tiêu ngắn hạn thời gian tới của tôi phải là vượt qua Dung trong tổng thể môn, vượt qua Yên trong ba môn khối thi đã chọn. Và tôi đang là một cái xác có hồn, có nỗ lực phấn đấu.
Buổi chiều hôm đó, tôi và thằng nhà thơ phải diễn cái cảnh hai đưa tôi bịn rịn chia tay, khi hai thằng bắt đầu đi theo hai hướng khác nhau. Đứa vào Nam, đứa ra Bắc theo đuổi ước mơ. Với chúng tôi lúc đó đơn giản là phát cười phì phì khi nhìn vào cái mặt đờ đẫn của thằng đối diện mà cười, mà không biết rằng, chỉ mấy tháng sắp tới nữa thôi, có thể khung cảnh ấy sẽ lại tái diễn.
Thỉnh thoảng để bớt đi nỗi nhớ nhung về banh bóng, chúng tôi thường tranh thủ một chút thời gian ra xem các khoá dưới đá giải banh. Cứ mỗi lần như thế, cảm giác khó chịu lại dấy lên lạ kì. Gần như tôi đem hết mọi tội trạng về việc cả đám chúng tôi đứng ngoài đổ lên hết cho Dung.
Vòng xoay ấy quay liên tục, nhưng nó càng lúc xoay càng nhanh, nó khiến cho mọi thứ mất kiểm soát nếu chúng tôi trở nên mất tập trung.
-Kiểm tra giữa kì!-Tiếng thầy Quý dạy Sử vang lên.
Lịch Sử đối với tôi cũng không có gì gây khó dễ cho lắm, bởi tôi thích nó. Đối với tôi, những con số thống kê, những miêu tả trận đấu nó còn hay và hấp dẫn hơn những áng thơ hay những câu văn đậm chất nghệ thuật. Tôi đặt bút và thở dài, ưng ý nhìn bài kiểm tra hoàn mỹ.
Những môn thi xã hội, tôi hoàn toàn đủ tự tin mình đạt được mục tiêu đề ra. Còn những môn tự nhiên, tôi hoàn toàn cẩn thận. Đi theo phương châm chắc chắn, làm câu nào gọn gàng câu đó, đảm bảo thời gian.
Chỉ có điều, môn Anh Văn mới là cửa ái cuối cùng cần vượt qua. Cầm bài kiểm tra, ngước lên nhìn Dung tự tin ngồi ở bàn đầu, cái định lý Một phút lại nảy mầm trong đầu tôi. Chí ít, cũng phải tự làm bằng mọi giá, chứ không thể chơi trò cầu may rủi như thằng Phong mập hay thằng Nhân đen, bắt kiến cho nó bò mà đánh lụi được.
-Yeah!-Tôi tung cuốn sách lên cao, giải thoát mình khi môn thi cuối cùng vừa qua.
Đám bạn hùa theo tôi, tung sách vở lên ăn mừng, dù chẳng cần biết kết quả ra sao.
Ngoài trời, cái nắng giữa tháng Ba vẫn gay gắt lạ thường.
-Tổng diễn nào, giờ là ráp chương trình!
Chúng tôi ai vào hàng nấy, cố gắng nghiêm túc đến mức cố gắng nhất của bạn thân. Mấy đứa phụ trách hát tốp ca, phiêu theo tiếng đàn Guitar và tiếng sáo của thằng Vũ.
-Hôm qua em tới trường, Mẹ dắt tay từng bước….ha ha haaaaaaaaaaaaaaaa!
Tràng cười dài bất tận khi thằng Phong mập mặc áo phông quần lửng kéo cao tới rún đang ngồi chờ trong lớp học, còn tôi đi theo Mẹ Trang ra miệng ngậm cái bình sữa của trẻ sơ sinh mà mút chùn chụt.
Cứ qua mỗi cảnh mới, ít nhất phải làm đi làm lại cả chục lần, thì chúng nó mới nhịn được cười vì quen rồi, chúng tôi mới diễn được. Rồi ráp lại, tổng kết được tiết mục. Khẽ vuốt mồ hôi vì cuối cùng cũng xong. Tôi ngồi bệt ra hiên nhà thằng Phong mập. Nó ép buộc cả lớp phải tới nhà nó để nó còn chuẩn bị phục trang đây mà.
Trong ba lô của tôi, cuốn sách Anh Văn yên vị ở trong, chỉ cần có cơ hội là tôi sẽ vật quy nguyên chủ. Chỉ tiếc là Dung tất bật với tất cả, rồi lại bàn với thằng Hải nên tuyệt nhiên tôi không tìm ra được khoảng thời gian, không gian lý tưởng.
Nó tiếp tục ở lại với tôi thêm một tuần nữa!
Ngày tôi nhận được điểm thi, xuôi xị vì điểm giữa kì của tôi chạm mức 7,7. Vẫn thấp hơn Dung 0,1. Điểm anh Văn của Dung chót vót là 8,5 thì tôi chỉ gần mức 7 hơn. Khả quan hơn thì nó vẫn hơn điểm trung bình học kì một 0.2. Cột mốc tôi chưa thể vượt qua được.
Yên và tôi so điểm khi nhận được kết quả. Ba môn tự nhiên của tôi đạt 27,5 và Yên đạt 27 điểm. Dù sao tôi cũng là người chiến thắng chung cuộc.
Nhưng tất cả chúng tôi đều hiểu rằng, những điểm số này sẽ chẳng là gì khi đi thi Tốt Nghiệp hoặc Đại học.
-Nè, gì mà cười?-Yên nhéo tôi!
-Không, kem ngon mà!-Tôi cắm cúi vào dĩa kem, thỉnh thoảng đưa tay lên mũi thể hiện sự khoái khẩu.
-Có 0.5 điểm thôi mà!-Yên phụng phịu.
-0.5 đấy là cả vấn đề đó!-Tôi cười sằng sặc đắc chí.
-Vậy cá lớn hơn nữa đi?
-Lại thi cuối kì à!-Tôi kiêu hãnh và tràn đầy tự tin sau màn thắng cuộc vừa rồi!
-Không, là tốt nghiệp. Sáu môn thi tương đồng dễ hơn, chứ Yên thi Văn khó điểm cao lắm.
Tôi đưa tay lên móc nghéo với Yên. Một cuộc cá cược cho kì thi tốt nghiệp lại diễn ra. Và mục tiêu cột mốc cần vượt qua vẫn còn tồn tại. Mọi thứ lại lập lại như cũ.
Những ngày sau, lớp tôi vừa học vừa lên kế hoạch chuẩn bị cho hội trại. Dung tất bật xoay vòng giữa những thứ phục trang, rồi công việc, những thứ cần chuẩn bị, phân công công việc. Còn tôi, cũng như một chân chạy việc đơn thuần, chỉ có điều là chỉn chu và trách nhiệm hơn, không phải vì cái danh cán sự Đoàn, mà vì tập thể.
Tất bật cho cắm trại một ngày một đêm. Tất bật cho buổi diễn văn nghệ, những lúc lướt qua tôi, hình như Dung khẽ cười. Và tôi cũng không chắc là mình có nhìn nhầm hay không, đành lắc đầu cho qua chuyện.
-Ê, Trang, bữa đó nhớ vắt sữa vào bình nhé!
Trang đỏ hết cả mặt, nổi đoá xách chổi rượt tôi chạy vòng quanh lớp trong tiếng thét kinh hoàng của những nạn nhân vô tình bị cuốn vào màn ẩu đả.
CHAP 57: CẮM TRẠI TRONG TÔI LÀ!
Cắm trại? Một hình thức vui chơi mà bất cứ học sinh nào nghe tới cũng phải rạo rực, háo hứng mà đăng ký ngay tắp lự, huống gì là cắm trại cuối khoá. Đó sẽ là một mốc kỉ niệm đáng nhớ. Dường như cái áp lực thi cử càng tới gần, thì những tình cảm bịn rịn không nỡ rời càng thể hiện rõ ra bên ngoài, chứ không như trước ẩn giấu sau những cử chỉ qua loa, hay cái ngại ngùng.
Bởi thế, dù cắm trại cho đến quen thuộc những cái chương trình, chúng tôi vẫn muốn là một phần trong đó. Không quan tâm đến nội dung ra sao, chỉ biết rằng đó sẽ là một cơ hội. Một cơ hội để chúng tôi phác thảo bức tranh kỉ niệm một cách rõ nét hơn.
-Thằng Tín, kéo cao cái cờ lên một chút!
Tôi vịn tay vào cột trại, đứng trên thang chỉnh lá cờ theo tiếng thằng Hoàng chỉ đạo ở dưới. Cổng trại năm nay cũng được làm hoàng tráng hơn hẳn, thế nên cái thân tôi mới khốn khổ leo lên chỉnh chỉnh sửa sửa như thế này đây.
-Được chưa mày?
Nhìn xuống đất nó đã chạy đi đâu mất tiêu, để tôi đứng trên cái thang cao, tự nhìn ra xung quanh. Mấy đứa khoá sau, đặc biệt là lớp mười thì lần đầu tiên tham dự nên hào hứng lắm, chạy lăng xăng xem các anh chị khoá trên làm những gì để lấy kinh nghiệm. Còn mấy anh chị khoá trên thì cứ tụm nhau lại mà cười nói râm ran. Một khoảng không trước đây là sân sau toàn đất cát, nay rực rỡ màu sắc và náo nhiệt đến lạ kỳ.
-Tín, cẩn thận té giờ!
Tôi ngoái nhìn xuống, nhoẻn miệng cười, nhanh như cắt leo vội xuống. Còn mấy bậc nữa thì nhảy cái phốc xuống đất, thể hiện trạng thái nôn nóng hoặc là sĩ diện bởi mấy trò linh tinh trước mặt những cô bạn gái cùng khoá. Đây cũng có thể coi là một cách ghi điểm dị hợm của mấy đứa con trai.
-Sao sang đây vậy?-Tôi phủi mấy vết dơ dính trên áo!
-Hì hì, thì tiện đường mà!-Yên đưa hai tay ra đằng sau.
-Có gì mà giấu ghê vậy!
Tôi đi vòng ra đằng sau, Yên lại đưa hai tay ra trước, kiểu như tôi là chuyển động tròn đều, bị trọng tâm là Yên hút chặt, hoàn toàn không có lực li tâm ở đây.
-Nè, bánh thôi mà!-Yên nhoẻn miệng cười.
-Ngon vậy!
Tôi nhận cái bánh, chẳng cần nhìn xem nó có phải là loại bánh tôi thích hay là ghét, mùi vị ra sao, chỉ cần ăn là tôi thấy ngọt. Chẳng biết vị Ngọt từ đâu.
Yên cũng chẳng ở lại lâu. Cô nàng cũng phải tất bật chạy về lớp làm mấy bông hoa trang trí cổng trại bên đó.
-Ế, Bánh đâu ra ngon mày!
-Né xa tao ra, mới mua!-Tôi đưa chiếc bánh ra đằng sau lưng, giơ lên cao, chỉ sợ một phút sơ xuất, với một chú ngoạm của thằng Mập, e rằng cả cái vỏ bánh cũng chẳng còn.
-Giúp tao treo cái dây này coi!
Buổi sáng của chúng tôi là con trai cắm đầu cần mẫn làm những công việc nặng, còn những cô bạn cùng lớp thì ngồi trong chiếc lều vừa dựng, thoải mái làm những việc nhẹ, cười cười nói nói. Lâu lâu ngoái ra, rồi cũng tử tế tiếp nước, mời ăn trái cây. Hoá ra, các cô nàng cũng dịu dàng chu đáo lắm.
Xong phần dựng trại cực khổ, chúng tôi phải xếp hàng chờ ban giám khảo xuống chấm cổng trại. Một loại tiêu chí được đề ra, học sinh ở dưới cứ thế mà làm theo kiểu bất di bất dịch. Xong phần chấm điểm thì chuyển qua cuộc thi cắm hoa.
Đáng lý đó sẽ là phần nấu ăn, nhưng vì tình trạng hai năm trước quá lộn xộn và bừa bộn nên được giảm tải. Về phần nghệ thuật thì lũ con trai chúng tôi không có cửa so với các cô nữ công gia chánh đảm đang, hoa tay gần mười ngón nên đành ngậm ngùi cười toe toét tụ tập dưới gốc cây.
-Ê, tối nay làm gì cho đỡ buồn mày!
-Tao có mang bộ bài đây!
-Cá ngựa trong ba-lo tao kìa!-Thằng Kiên góp vui.
-Tao mang cái nồi theo quẹt nhọ!-Thằng Linh vẹo chuyên gia chơi những trò phải bẩn và dơ mới thoả cái tính nghịch ngợm của nó.
Thằng Phong nằm dài ra bãi cỏ, nó xoay xoay ngọn cỏ trên miệng, lúng phúng :
-Chán chết, năm ngoái cũng thế, chơi trò gì cho vui vui tí đi!
-Ờ..mày muốn chơi trò gì?-Tôi hỏi vặn lại nó!
-Không chơi thì ăn?-Nó hào hứng trong khi cái bụng thì kêu sùng sục.
-Ăn, suốt ngày ăn!
-Ê, hợp lý mày, muốn ăn phải không?-Thằng Hoàng vỗ trán cái bốp, chắc là có sáng kiến.
Cả đám nhìn nó rồi im lặng lắng nghe, chốc chốc lại cười hí hửng.
-Thế bao nhiêu cho đủ!
-Ít thôi, nhưng phải gom tiền ra đặt trước, rồi lúc tối mình ra lấy về!
-Nhất quyết vậy đi!
Trò gì mà cả đám bày ra, đó đứa nào mà không tham gia, chúng nó chẳng lột đồ cho chạy khắp sân trường chứ chẳng chơi.
Buổi chiều thì là những gian hàng trò chơi, một kiểu vui chơi lành mạnh trở thành truyền thống. Với những thằng học sinh như tôi, cần phải có trò gì nghịch hơn, quậy hơn thì mới hào hứng. Chứ ai đời lớn rồi, lại phải lóc cóc đi cầu khỉ, đi cà kheo để té chổng vó bao giờ cơ chứ. Ấy vậy mà, lũ con gái lớp tôi cũng chẳng tha, nhất quyết kéo đầu tụi con trai đang nằm dài trong trại ra ngoài cho bằng được.
-Giờ là trò chơi đoán ý đồng đội!-Cô bé khoá dưới giọng khản đi vì la quá lớn.
Nhóm lớp tôi ùa vào như chợ vỡ, vơ đại mảnh giấy và đống bút rồi phân chia cho nhau, chỉ chờ bắt đầu là chơi cái trò cũng có vẻ lý thú.
-Anh, chị ngồi riêng ra dùm em!
Cái trò chơi đơn giản, con gái ghi những câu mong ước như :Tôi muốn đi đến, hoặc tôi muốn làm, tôi muốn trở thành.. Còn con trai ghi những câu trả lời. Một thể loại biến tướng của trò nếu thì. Những câu hỏi và câu trả lời được trộn đều trong hai cái hộp. Và trò chơi bắt đầu:
-Tôi muốn trở thành…!-Cô bé MC đọc lớn.
-Paris, rất tiếc..!-Cậu nhóc MC cũng hào hứng tiếp lời.
Toàn những câu trật đường ray, nhưng cá biệt cũng có những câu để đời như:
-Tôi muốn trở thành…!
-Nhà vệ sinh..!-Thằng Hoàng nghe đến đây thì toét miệng cười trước câu trả lời của nó.
-Tôi muốn hát bài hát..!
-My love, rất hợp lệ và ý nghĩa, mời anh chị!
Thằng Kiên và con Trang lớp tôi rõ ràng là đã nháy mắt với nhau từ trước nên dễ dàng đến thế, nhìn mặt hai đứa cười gian xảo mà cả đám tức anh ách.
-Tôi muốn đọc…!
-Gone with the wind!
Tôi sững người khi đến cái đáp án của mình, và còn bất ngờ hơn khi Dung là người đặt câu hỏi. Chẳng hiểu tình cờ đến đâu, tôi bí bách câu trả lời nên viết đại là Gone with the wind, cái từ anh Văn mà tôi còn nhớ lúc học tối hôm trước. Cả hai đứa tôi nhìn nhau, rồi lại chẳng nhìn ai, nhìn trời nhìn đất mà đi lên nhận quà.
Hai cái kẹo mút vị dâu.
-Em đổi cho anh lấy vị bạc hà với cà phê được không!
Cô bé MC chắc thấy tôi nhẹ nhàng và lịch sự nên lễ phép làm theo. Tôi chìa cho dung cái kẹo vị bạc hà quen thuộc của cô nàng. Dung gật đầu cảm ơn.
-Ê, Gone with the wind là gì hả mày?-Thằng Hưởng vỗ vai tôi kéo giật lại, chắc là chưa hiểu vì sao tôi được giải.
-Gone là đi, with là với, the wind là gió. Đi với gió!Tôi tếu táo trả lời nó.
*Và chắc thời gian sau nó cũng biết rằng đó là tên tiểu thuyết kinh điển Cuốn Theo Chiều Gió, chứ không phải là cái nghĩa mà tôi đã loè nó*.
Lớp chúng tôi đông đúc, kéo đi đến gian hàng nào dường như gian hàng đó tan hoang. Không bị lấy hết phần thưởng thì đôi ba cái dụng cụ bị hư, hoặc cô bé MC nào mà xinh xắn, thể nào cũng bị mấy thằng ghẹo cho đến đỏ mặt mới thôi.
Chơi chán chê cả lớp kéo nhau về hò hét, tranh nhau ăn tối. Chúng tôi bớt ồn ào náo nhiệt, lặng lẽ nhanh gọn, kỷ cương, ăn xong buổi tối là lo phụ trang, chuẩn bị cho tiết mục văn nghệ được lọt vào vòng trong, đua tranh với mười lăm tiết mục còn lại.
Hơi run và có chút âu lo, Trang dắt tay tôi bước lên sân khấu sáng choang, bên kia sân khấu, thằng Phong mập mặc quần kéo quá rốn khiến cho khán giả cười nắc nẻ.
-Oà oà..hu hu..!-Vừa đi vừa khóc, vừa đút bình sữa vào miệng, tôi lại gây thêm những tràng cười cộng hưởng nữa.
-Ngày đầu tiên đi học, Mẹ dắt tay tới trường, em vừa đi vừa khóc, Mẹ dỗ dành yêu thương..!-Đám đồng ca nhịp nhàng du dương.
Khán giả trầm lắng thưởng thức. Rồi bật cười nghiêng ngả, cảnh tôi đạp thằng bạn rớt xuống xe để chạy lại chở một cô gái dễ thương. Thằng Mập diễn đạt đến nổi nó còn chổng vó lên trời, nom cứ như tôi toàn lực đạp nó vậy. Chẳng hiểu sao mà cái cảnh đó thì dàn đồng ca lớp tôi lại hát:
-Tình bạn sẽ luôn luôn còn mãi, tình bạn sẽ luôn luôn còn hoài!
Cảnh cuối cùng, cũng là cảnh thằng Mập đạt học bổng đi du học. Tôi bùi ngùi, đưa ngón tay có dính chút ớt do thằng bạn cùng lớp chuẩn bị, lướt qua mắt một chút là nước mắt cứ thế mà trào ra. Tôi thì trong lòng cười gần chết, còn khán giả ở dưới thì im lặng, bồi hồi và xúc động. Dường như nước mắt ai cũng rưng rưng.
Diễn văn nghệ kết thúc, cũng là lúc tất cả tập trung ra sân đốt lửa trại. Nhưng tuyệt nhiên, cả lớp chúng tôi có tìm xóm nhà lá thì chắc chắn cũng chẳng thấy đâu.
-Nè, của mấy đứa!-Cô bán hàng cười chào mấy thằng nhóc còn nhễ nhại mồ hôi!
-Dạ, con cảm ơn, con gửi tiền luôn ạ!-Thằng Phong Mập ôm ba con gà đã được làm sạch sẽ, gói trong lớp báo và được bọc lại cẩn thận.
Thằng Kiên cận cũng vừa tới, giơ hai cái vỉ nướng ra cười đắc thắng.
Năm phút sau, thằng Hưởng và Linh vẹo cùng thằng Hoàng giơ gói muối, chanh và tiêu. Nhóm của thằng Nhân đen thì than và hộp quẹt. Còn tôi thì một thùng nước ngọt.
-Xong chưa, giờ sao?
-Giờ chưa được, phải mười một giờ cho Thầy phụ trách nghỉ ngơi đã!-Thằng Kiên đã chuẩn bị kỹ lưỡng mọi tình huống.
Chúng tôi tiếp tục ngồi trong trại canh chừng và hào hứng với màn nướng gà xuyên đêm, bởi thế cái lửa trại đang cháy phừng phừng ngoài kia có hình dạng ra sao, không khí thế nào thì tuyệt nhiên chúng tôi không hề được ngó qua một chút.
Lửa trại gần tan, từ ngọn lửa cao vút nay cháy nhẹ với những miếng gỗ còn sót lại. Thỉnh thoảng đùa với làn gió bùng lên. Các nhóm vẫn ở ngoài đó, đàn hát cho nhau nghe. Riêng chúng tôi, giờ mới là lúc hội trại bắt đầu.
-Đào lỗ đi mày!-Thằng Hưởng có lẽ là chuyên gia!
Cầm những chân bàn hư kiếm được gần kho dụng cụ, mấy thằng lựa khoảng đất mềm rồi đào lỗ, đưa than xuống, nổi lửa. Khi than hồng lên, ửng đỏ là lúc những miếng thịt gà được đặt lên.
Đáng lẽ bữa tiệc hôm đó chỉ có xóm nhà lá chúng tôi, nhưng thằng Kiên cận lại rủ thêm Trang, mà Trang lại rủ thêm Nguyệt,Hằng và Dung, rồi Hằng theo phản ứng dây chuyền lại rủ thêm cô bạn lớp phó học tập.
-Wow! Nhìn ngon quá vậy!-Hằng bán chanh la lớn!
-Chuyện, tụi này mà!-Thằng Phong mập ưỡn cái ngực toàn mỡ của nó lên tự hào.
Vì số lượng người tăng đột biến nên lương thực thực phẩm không đủ, buộc chúng tôi phải xoay trở thêm.
-Nhà ông tao gần đây có trái cây!
-Tao với Nguyệt đi mua bánh mì, thêm Phong mập với Hằng đi nữa!
Vậy là chúng tôi tách nhau ra làm ba nhóm. Nhóm ở lại nướng gà, nhóm đi mua bánh mì, và nhóm chúng tôi, lại có Dung đi hái trái cây.
-Chết tao, quên mất đã muộn rồi!- Thằng Linh vẹo gãi gãi đầu.
Cả nhóm nhìn vào ngôi nhà yên ắng, không một chút ánh sáng hoặc tiếng động, chứng tỏ gia chủ đã lên giường đi ngủ.
-Giờ sao?-Tôi đưa mắt nhìn nó.
Thằng Linh vẹo quả nhiên là chiến hữu dám nói dám làm. Nó quyết định tổ chức trộm trái cây của nhà Ông nó. Nói là trộm thì hơi quá, đúng ra chỉ là việc cháu trai đến hái trái cây trước, vì không kịp xin phép Ông thôi.
Tôi và thằng Linh vẹo thả dép, leo lên hàng rào, đu sang cành Xoài gần đấy. Dưới ánh trăng mờ mờ ảo ảo, hai thằng cẩn thận từng bước đi, trong tiếng đập liên hồi của quả tim, tiếng dế kêu rả rích, và tiếng thì thầm của Dung, đòi hai đứa phải xuống và ra về ngay tắp lự.
-Nè, đủ rồi đấy mày!-Thằng Long con cầm bọc xoài hí hứng báo hai đứa.
-Ờ, được rồi…tao xuô….rắc.!
Thằng Linh vừa đạp nhầm cái cành cây khô, nó rơi xuống đất gây ra một tràng tiếng động. Trong đêm khuya tĩnh mịch, tiếng lá cây khô trên cành cây vừa rơi xuống gây nên một tràng âm thanh mà với chúng tôi lúc đó là đủ to.
-Gâu gâu…..!-Tiếng mấy con chó trong nhà bắt đầu sủa lên inh ỏi.
Tôi và thằng Linh đồng thanh im hơi lặng tiếng, không di chuyển, nhưng mấy đứa khác thì không có kinh nghiệm như thế.
-Chó, chạy đi hai thằng mày ơi!
Tiếng chó sủa càng dữ tợn hơn, và những nhà xung quanh bắt đầu sáng đèn. Tôi và thằng Linh chẳng thằng nào nói thằng nào, nhảy phốc xuống, khụm người tiếp đất từ cái hàng rào mà chật vật lắm mới leo lên được. Mang đôi dép và bắt đầu mở hết tốc lực.
-Đứa nào làm gì ngoài đó!-Ánh đèn pin rọi ra, xuyên qua mấy tán cây xoã, những mắt cáo lưới rào làm loá mắt. Tiếng mở cửa lạch cạch mấy nhà bên cũng vang lên.
-Chạy!-Là từ duy nhất mà tôi còn hét lên được. Và đám bạn tôi hoảng sợ, chạy tứ tung hết cả lên.
Tiếng chó sũa dữ dội đằng sau, làm mấy nhà gần đó đồng loạt thức giấc, chạy ra xem có chuyện gì. Tôi chỉ biết lúc đó kịp nắm tay Dung mà kéo đi! Mỗi đứa lo chạy thục mạng đến nỗi xoài rớt dọc đường cũng chẳng thằng nào dám quay lại nhặt. Tiếng la hét, chửi bới vang lên từ phía sau.
Tôi thả tay Dung, thở dốc. Dung dựa lưng vào tường mặt tái mét, hình như vẫn còn sợ. Đám chúng tôi lo chạy nên mỗi đứa tản ra một ngã, giờ chẳng biết chúng nó có đứa nào bị tóm hay không nữa.
-May quá, suýt bị chó cắn rồi!-Tôi thở và nói một mình trấn an cô nàng.
-May quá..!-Dung đưa tay đặt lên ngực, kìm hãm nỗi sợ hãi.
-Sao không?-Tôi nhìn cô nàng, mặc dù chắc rằng trong đêm tối thế này, có nhìn cũng chẳng thấy cái quái gì.
-Không, sợ lúc đó bị bắt lại thôi…!-Dung từ từ thở đều.
Tôi cười xoà cho qua chuyện. Kể cũng lạ, cô nàng chẳng có ý kiến gì về việc này cả, hoặc là do quá sợ hay chăng. Để Dung nghỉ một chút, tôi và cô nàng đi bộ về trường trong ánh trăng mờ mờ.
-Trường đóng cửa, cấm trại rồi!-Dung nhìn với đôi mắt lo âu.
-Đi theo Tín!-Tôi khoát tay cô nàng.
Đến chỗ cái hàng rào giữ xe, tôi kéo cái thanh sắt bị gãy rộng thêm một chút nữa, rồi mời cô nàng vào trước, tôi đoạn hậu theo sau.
-Hay ha, có lối đi bí mật nữa!
-Không có gì, đôi lúc cũng phải có mánh lới chứ?
-Ừ…cũng đúng!-Dung cười, nét hoảng sợ vừa nãy đi đâu mất tiêu.
Chúng tôi tập trung được lại toàn bộ cũng là lúc gần mười hai giờ. Nhóm nướng gà hoàn thành nhiệm vụ, đang ngồi chờ. Nhóm Nguyệt và Vũ cũng mua bánh mì về, còn chu đáo mua thêm đá để uống nước ngọt. Chỉ có nhóm tôi là te tua nhất.
Tổng kết chỉ còn lại cỡ bảy tám trái xoài, trong khi tôi và thằng Linh dễ phải hái đến hơn hai chục trái. Không đứa nào thất lạc, bị vấp đá té hai đứa. Chúng nó về đến nơi thì chỉ còn biết vừa mếu vừa cười.
-Uống nào, uống cho bữa tiệc liên hoan của chúng ta!
-Suýt chút nữa nó cạp mông tao!-Thằng Long con nhớ đến cảnh lúc nãy còn kinh hãi đưa tay xuýt xoa.
-Yên tâm đi, mấy con chó đó nó không cắn đâu?-Thằng Linh ưỡn ngực đảm bảo.
-Sao mày biết không cắn, nó nói mày à?-Thằng Hà chửi xéo thằng bạn.
-Không, nó chê thằng Long con mông lép, cắn vào xương sợ gãy răng!
Bọn tôi chỉ còn biết cười ha ha khoan khoái. Dưới ánh trăng lờ mờ, tôi nhận được chiếc đùi gà từ tay Dung. Không nỡ từ chối, tôi đưa lên ăn ngấu nghiến. Buổi tiệc thịnh soạn và vui nhất đời học sinh kéo dài đến tận sáng trong tiếng hát, tiếng đàn, tiếng sáo, và màn nhảy qua lửa trại ( được nâng cấp từ lò than) của mấy đứa bạn tôi. Đó là một mảnh kí ức đầy màu sắc, mà tôi đã từng trải qua.