Tôi nắm tay đưa nàng băng qua quảng trường. Cái quảng trường thuộc về khu công viên Phù Đổng. Trái ngược hoàn toàn với không khí nhộn nhịp buổi chiều, từng người từng người đi ngắm cảnh hay thể dục. Những bàn cờ tướng dọc dài hai bên đường. Đêm tối buông xuống là cảnh vật nên thơ cho những người cần không gian yên tĩnh ngắm biển đêm. Tôi nắm tay nàng đi theo những lối mòn lẩn khuất sau những dãy hoa thơm ngát.
Len qua công viên, trực hướng thẳng về phía biển, hai đứa ngồi xuống bãi cát mịn, nhìn nhau cười. Gương mặt Dung bình thường rạng lên nét cá tính nhưng nay bị nước mắt và gió biển đùa nghịch làm phai đi không ít. Nàng trở nên hiền dịu và yếu đuối hơn. Nhẹ ngàng lay đôi vôi nàng, nàng quay sang nhìn tôi khẽ cười:
-Gì nữa, mặt xấu lắm chứ gì? -Lo gì cơ chứ? -Sao không lo, con gái mà, lo lắng cho sắc đẹp chứ! -Khóc cũng đẹp mà.
Tôi duỗi thẳng chân, chống hai tay về sau, ngữa mặt lên nhìn trời, những hạt mưa phùn vỗ về khẽ vào mặt. Mát lạnh. Nàng nhìn về phía biển, đen một màu, khẽ cười và hát. Cái ca khúc hôm trại đã hát cho tôi nghe.
-Lần này biết thừa là bài gì rồi! -Hì hì, thông minh ghê.
Tôi ngồi im thưởng thức giọng hát hòa lẫn với tiếng rì rào của biển đêm. Im lặng nhưng đầy yêu thương, hai cô cậu tuổi học trò vẫn nhìn về hai hướng khác nhau. Cậu con trai nhìn trời, còn cô gái nhìn biển, hai bàn tay đã khẽ chạm nhau.
-Sao Dung lại ra chờ T?-Tôi buột miệng hỏi một câu ngốc nghếch. -Dung đi chơi với mấy bạn nữ, rồi về sớm, qua phòng kiếm, không thấy T rồi ra cổng đợi, rồi…..
Nàng ngập ngừng, tế nhị không muốn nhắc đến chuyện cũ. Khẽ dùng ngón tay vẽ gì đó dưới cát như muốn trút bầu tâm sự. Tôi cố gắng nhìn nhưng đó chỉ là những nốt xoáy tròn theo hình bô-mê-răng.
-Ừ, T với Quỳnh đi dạo quanh biển, nhưng …..nhưng….. -Không sao đâu, Dung hiểu mà.
Nàng nhìn tôi và nở nụ cười, gương mặt cá tính nhưng không kém phần xinh đẹp nhìn tôi, kiểu như một cách chứng minh là nàng đã hết giận.
-Không, để T nói- Tôi vẫn một mực cương quyết.
Nàng nhìn tôi, và vẫn cười, cũng như chính nàng đang mong đợi câu chuyện từ tôi. Cô bạn ấy chịu đựng quá nhiều suy nghĩ về tôi, nhưng vẫn gạt qua vì đã đặt sự tin tưởng tuyệt đối vào tôi. Nên lúc này đây là lúc tôi nhấc đi viên đá đè nặng lên nàng. Tôi kể lại hết những gì từ lúc nàng đi vắng. Chuyện Quỳnh nói chuyện với tôi ra sao và ứng xử thế nào. Tôi thao thao bất tuyệt nhìn thẳng vào mắt nàng, không giả dối và hoàn toàn tự nhiên. Nàng khẽ nhíu mày khi nghe đến chuyện Quỳnh tò mò về quan hệ tôi và nàng, và khẽ cười khi tôi khoác áo cho Quỳnh.
-Lúc đó Dung nhìn Quỳnh khoác áo của T nên.. -Dung không giận chứ? -Không, chỉ là lúc đó chưa kịp nghĩ gì thôi! -….!!! -Vì bạn T của Dung là một người con trai biết chia sẻ khó khăn với bạn, luôn tốt với bạn bè, nếu lúc đó T không làm thế chỉ sẽ chẳng còn là T nữa.
Tôi mỉm cười và khâm phục cách suy nghĩ của nàng. Hoàn toàn không có gì có thể phàn nàn được dù chỉ là trong đầu. Cô bạn ấy cạnh tôi, vóc dáng nhỏ bé nhưng sự bao dung và quan tâm thì í tai có thể sánh bằng.
-T nè? -Sao Dung? -Ít qua lại với Quỳnh thôi! -Ừ! -Sao không hỏi tại sao đã đồng ý rồi!
Nàng hỏi trúng ngay cái nội tâm đang quay cuồng bên trong của tôi. Phải nói thật là tôi vẫn còn ám ảnh cái cảnh tượng tỏ tình công khai đến bạo dạn của cô bạn ấy. Đơn giản vì thời gian quá ngắn, cô nàng cũng không thể nào biết được tí gì về tôi, nếu như vậy thì quả là bỡn cợt người khác. Hơn nữa bình thường, sau cặp kính cận màu đen bóng loáng kia, tôi cũng không thích ánh mắt nhìn mọi người của Quỳnh, nó có vẻ gì đó làm tôi có ác cảm trong lòng. Và có lẽ quan trọng nhất, tôi cô lập mình với Quỳnh để cắt đứt cái tình cảm một phía như một cách trả lời đanh thép lắm.
-T không có tình cảm với Quỳnh, hơn nữa, Quỳnh sống quá nội tâm, không phải là người hợp với tính bốc đồng của T -Cũng biết mình bốc đồng cơ đấy!- Nàng mỉm cười rồi tiếp lời. -Nhiều khi nội tâm con gái khó hiểu lắm, T không biết trọn vẹn được đâu. -Ngay cả cô nương còn quay cho tại hạ chóng mặt, huống gì là người khác chứ.
Nàng đứng dậy, vươn vai hét lớn:
-AAAAAAAAAAAA!!
Rồi kéo tôi chạy thẳng ra biển, đi dọc bở biển, chân nàng đá vào sóng biển ập bờ. Tôi cúi xuống tạt nước vào người nàng. Nàng nhìn tôi lém lỉnh rồi thả thù. Tiếng cười, hòa vào tiếng sóng, hòa vào vị mặn của gió biển.
Nô đùa chán chê, hai đứa tôi đi dọc lại bãi biển. Vừa đi vừa vung tay, hai chiếc tay đan lồng vào nhau.
-T phải đối xử tốt với Ngữ Yên đấy! -Hả, sao……….sao lại vậy? -Ừ, Ngữ Yên. -Không sợ………sợ….!!
Nàng cốc đầu tôi, cười lớn:
-Tốt theo phương diện bạn bè thôi, nghĩ đi đâu vậy?
Tôi thờ phào nhẹ nhõm:
-Hú hồn, mà sao lại vậy. -Vì với Dung, đó là một người tốt, đơn giản, hiền hơn Quỳnh và đặc biệt là tốt với kẻ ngốc đang nắm tay Dung.
Tôi gãi đầu, và cười trừ. Hiển nhiên điều đó là điều tôi chắc chắn làm , không những Ngữ Yên, chị Xuyến mà đặc biệt là với cô bạn đang nắm tay tôi. Bỗng nhiên cái móc khóa hình tròn chạm vào mũi tôi:
-Tặng nè!
Tôi đưa tay cầm gọn cái móc khóa vào tay, cái móc khóa hình đồng tiền cổ bằng gỗ, trên đó có vẽ chữ T ngốc. Tôi cười, và nhìn nó, cái móc khóa gia sản của tôi. Từ nay chắc tôi quý nó hơn bất kỳ thứ gì. Đến nỗi trên đường về tôi xoay xoay cái móc khóa và cứ nhìn nó cười. Nàng như nhận thấy hối hận vì tặng tôi cái móc khóa , nên cứ dặn dò là cất nó đi vì tránh người khác nhìn thấy lại chọc ghẹo.
Dừng lại trước cổng khách sạn, lần này lại có người đợi tôi. Có ngược chăng là Quỳnh và Dung đổi vị trí, trên tay cô bạn, cái áo khoác đen của tôi. Quỳnh khẽ gật đầu chào Dung và đưa áo cho tôi:
-Cảm ơn T nhé, hôm nay Quỳnh vui lắm.
Dung nhìn tôi, nàng bối rối thực sự,định chào tôi và về phòng. Tôi nắm tay giữ nàng lại, đưa tay còn lại đón chiếc áo khoác:
-Không có gì đâu Quỳnh, hôm nay T chỉ đi dạo với Quỳnh thôi, nếu cảm thấy vui thì lớp mình còn nhiều bạn vui vẻ lắm, Quỳnh nên chơi thân với mọi người nhiều hơn.
Tôi vừa nói, vừa xiết nhẹ cánh tay Dung, ra hiệu cho nàng. Quỳnh khoanh tay, rồi đưa lên nhấc gọng kính sáng loáng, điệu bộ học giả này làm tôi khó chịu, nhưng chưa thấm gì bằng câu nói:
-Vậy mời T đi ăn tối coi như cảm ơn được chứ.
Lần này tôi và Dung đều như nhau, tức giận thực sự, vì đơn giản hoàn cảnh này đủ biết tôi và Dung đang như thế nào, câu nói đó chẳng khác gì hành động chia rẽ. Tôi cứng rắn đáp lại:
-Không, T không đói, mà có đói thì T với Dung sẽ đi ăn sau. Quỳnh đi ăn vui vẻ đi.
Quỳnh không tỏ vẻ gì cả, bộ mặt nội tâm và không quan tâm đến sự việc xung quanh không có gì là biến đổi:
-Ừ, vậy bữa sau nhé.
Chỉ chờ có thế, tôi kéo Dung lướt qua cánh cổng phụ bên hông, đi thẳng vào ghế đá giữa sân khách sạn. Bình boong tài tử đang trổ tài hào hoa đàn guitar nhịp nhịp chân. Mấy chị nhân viên ở đây cũng chạy ra nghe. Lâu lâu lên tiếng xuýt xoa khen cu cậu, làm cho mặt nó đỏ bừng lên.
-Ngửi thấy mùi gì không? -Thơm ghê, hoa sữa phải không? -Ừ, đêm nay vui thật, không khí này lãng mạn ha. -Nghe đàn kìa ôn thần!
Nàng tảng lờ tôi nghe thằng Bình boong đánh đàn và giọng hát của chị nhân viên khách sạn.Cả lớp tôi vỗ tay hào hứng, mấy thằng bạn tôi thì không biết kiếm đâu được cây nến thắp ở giữa, làm cho đêm đó càng lung linh huyền ảo hơn. 12h đêm, chương trình live show kết thúc trong sự tiếc nuối của mấy chị em, trong sự nghiêm khắc của bác bảo vệ.
-Giữ trật tự nhé các cháu, khuya rồi, cho các du khách khác nghĩ.
Chúng tôi trật tự ổn định kéo nhau đi ăn khuya, mấy chục đứa bu quanh xe bánh mì nóng hổi, vừa gặm vừa xuýt xoa cái không khí mát lạnh. Tôi choàng tay và khoác áo cho Dung. Nàng nhìn tôi cảm kích.
Xoay mặt lại, tôi thấy Quỳnh nhìn tôi có vẻ hờn dỗi gì đó. Mặc kệ cô bạn tưng tửng, tôi xoay quanh nàng và để ý mấy thằng gian hùng đằng sau đang me ăn cướp ổ mì của tôi.
Buổi tối đó kết thúc bằng việc trèo hái vú sữa trong khách sạn, lũ tiểu quỷ chúng tôi mới chịu về phòng nằm nghỉ.
-Dung nè, giành mãi mới được đó.
Nàng nhận trái vú sữa từ tay tôi, đưa lên mũi , chạm nhẹ vào lớp vỏ bóng và mịn, căng tròn nhựa của nó :
-Thơm quá, để ngửi thôi, ăn phí lắm.
Tôi phì cười và vẫy tay chào nàng, đến khi cánh cửa gỗ bóng loáng bởi nước sơn từ từ khép lại. Sáng sớm hôm sau, chúng tôi tiếp tục chuyến hành trình tới tháp bà Ponaga. Vừa đặt chân xuống xe, tôi đã lạc nàng đâu mất. Vừa đi kiếm vừa lẩm bẩm chửi rủa hai tiểu yêu bàn tôi, hỡ ra đã kéo nàng đi đâu mất tiêu.
Mặc cho bạn bè quanh quẩn nhìn ngắm xuýt xoa cái tháp cổ với cấu trúc tài tình, tôi chạy vòng ra đằng sau tìm nàng. Họa sao lại gặp trúng cô nàng nội tâm tưng tửng đang đứng chụp hình và ngắm nhìn biển . Nhanh như cắt, tôi xoay mặt lại, may phước sao có cái bảng về sự tích tháp Bà ở đấy. Đọc từ đầu tới cuối rồi đọc đi đọc lại, canh me cô nàng không để ý, tôi rút dần về phía đám chiến hữu. Gì chứ dây dưa với Quỳnh rồi lại mất công chạy điền kinh đi kiếm Dung nữa thì cho tiền tôi cũng chẳng dám.
Cuối cùng thăm thú chán chê, chúng tôi trở về đại bản doanh ăn uống và nghỉ ngơi, mua đồ lưu niệm trở về nhà. Mọi chuyện có lẽ là tốt đẹp nếu trên xe không diễn ra tình huống oái ăm.
Không biết lí do gì mà Quỳnh ngồi hẳn xuống cái ghế cuối, cùng với đám chiến hữu của tôi, mặc cho tụi này cũng không ưa lắm với cô nàng. Tôi với Dung bước lên xe, tính ngồi ở lúc xuất phát nhưng hình dáng cô nàng kính cận làm hai đứa tôi khựng lại. May sao có Kiên cận ngồi ở ghế giữa với Trang nhường cho tôi:
-Trang với Dung ngồi đây, Kiên với T xuống kia ngồi cũng được, không sao cả. Dung níu tay tuôi như kiểu không an tâm, tôi đặt nhẹ lên bàn tay nàng an ủi: -Không sao, không sao đâu mà….!
Tôi với Kiên cận ngồi phịch xuống hàng ghế gần cuối, vội vàng lấy tai phone nhét chặt vào lỗ tai để khỏi nghe tiếng ai gọi mình. Mơ màng ngắm cảnh rồi ngủ quên lúc nào không biết. Trong giấc mơ, hình như có ai đó khẽ chạm vào tóc tôi, những cọng tóc dạt về sau vì gió thổi qua khe cửa, mặc kệ, tôi chìm dần vào giấc ngủ, trong giai điệu Chính em nhẹ nhàng.
Tôi mân mê chiếc móc khóa nay đã gắn vào chiếc balo. Một tuần trôi qua từ lúc tôi nhận được món quà ấy từ Dung, cũng là một tuần buồn chán của tôi. Ông anh tôi bước vào kì thi tốt nghiệp nên mọi thứ trong nhà đều được ưu tiên. Ngay cả khi tôi vừa gây ra tiếng động gì mạnh hay ồn ào một xíu thì Ba Mẹ đều nhìn tôi nhắc nhở.
Sáng ngủ dậy chẳng ai đánh thức , tôi nằm lì tới tận trưa, trưa ăn cơm xong ôm cái tivi vặn nhỏ hết cỡ vừa đủ nghe để khỏi làm phiền suy nghĩ của ông anh sĩ tử. Xem phim chán chê là lại cắp giày đi đá bóng lúc chiều. Tối về lại xem phim rồi lên nằm ngủ. Vò đầu bứt trán, chán nản cho cái cảnh:” Đi học thì mong nghỉ hè, nghỉ hè thì lại mong đi học”.
Dung thì về quê ngoại một mình, nên tôi cũng chẳng thể lên chơi với nàng được nữa. Thầm trách cứ nàng đi gì đi tận một tháng, chỉ trở về khi nào có lịch học hè trên trường mới thôi.
May sao tôi còn có thằng bạn Nhân đen bên cạnh, sáng dậy vẫn nắm đầu tôi lôi đi uống nước, hay chiều chiều tạt ngang thảy cho tôi bộ phim nó đã xem xong. Còn về banh bóng, anh trai tôi và mấy ông cuối khóa bận ôn thi nên tôi và nó trở thành những ngôi sao sáng giá nhất của trận cầu hai xóm.
Có lẽ lúc đó một tháng hè của tôi hoàn toàn yên bình như vậy nếu không có thêm người mà tôi không ngờ tới xuất hiện. Sự việc diễn ra đến bất ngờ theo cách mà tôi không thể hình dung tới.
Sáng hôm đó, cuốn tròn chăn quanh người như con sâu, tôi mải mê đắm chìm cảnh tưởng mình đứng trên thảm cỏ Nhà Hát những giấc mơ, tung hoành cùng những Zidane , Beckham,Gigss hay Scholes... Giấc mơ đang ngọt ngào khi tôi vừa chuẩn bị bước đến chấm 11m thực hiện cú sút quyết định thì mẹ tôi đã lay tôi dậy:
-Dậy, dậy, rửa mặt ra phòng khách chào cô Ánh với bé Nguyệt kìa. -Nguyệt nào? Con đang ngủ! -Ơ cái thằng, Nguyệt nào nữa, dậy không cho cán chổi giờ.
Tôi bật dây như người máy mới được nạp điện, phụng phịu gấp hết chăn mền lại, tóc tai bù xù, vừa đi vừa gãi đầu đi xuống nhà dưới, trong tình trạng bộ đồ Manchester còn nguyên xi.
Vừa đi vừa dụi mắt, tôi xuống đến nhà lúc nào không hay, vẫn bộ dạng ngái ngủ, mắt mũi tèm nhèm, tôi nhì loáng thoáng thấy hai người ở phòng khách, ngoan ngoãn tôi chào:
-Cô Ánh mới tới chơi ạ!
Vừa dứt lời, tiếng cười của một đứa con gái đã vang lên, tôi choàng tỉnh và dụi mắt nhìn.
-Ơ…ơ Nguyệt, mày về khi nào đấy!
Mẹ tôi nghe từ “ mày” thì ra vẻ khó chịu,liếc mắt nhìn tôi,soi soi bộ đồ. Hoảng hồn tôi mặc đúng bộ đồ đá banh đang trình diễn dáng đứng trước mặt hai người, tôi tót xuống nhà dưới, với cái quần dài mặc vào và bắt đầu đánh răng rửa mặt. Bình thường thì mấy việc đó vừa làm vừa ngái ngủ, hôm nay tôi chỉ mất một hai phút là xong. Trở ngược vào nhà, nhìn kĩ lại lần nữa.
Con “cô dâu” của tôi ngày trước, đen thùi lùi, giọng bố láo không khác gì con Hằng bán chanh lớp tôi bây giờ. Hồi nhỏ mỗi lần có đánh nhau thì nó cũng xông vào vòng chiến không kể bối phận. Dạng nữ trung hào kiệt nhái này đánh được một hồi đau quá khóc ầm lên. Và lúc nào cũng thế, địch hay ta chạy hết trơn để lại mình tôi với nó.
Đứng lại dỗ mãi thế nào cũng không chịu nín, tôi gãi đầu gãi tai nhìn nó nước mắt nước mũi tèm lem.
-Giờ sao mày mới nín khóc?
-Mua kẹo cho tao……huhu…..!
Khổ nổi hồi đó nhỏ tí xíu làm gì có tiền mà được mua kẹo hay mua bánh ăn một mình chứ. Tôi lại chạy về lật đật lượm loon hay dép hư để đổi kem hoặc kẹo kéo cho nó ăn. Nó vừa ăn vừa quệt nước mắt nước mũi thấy ghê.
-Ăn chung với tao không! -Mày ăn bẩn thế sao tao ăn- Tôi nuốt nước miếng từ chối.
Có lần đánh nhau với tụi Nhân đen, nó u một bên đầu. Lại giở trò ăn vạ đòi bánh. Khổ nổi con bé này ngày nào cũng khóc thì ve chai nhà tôi làm gì đủ cho nó nữa chứ. Hổn hển từ nhà chạy tới:
-Nhà tao hết đồi đổi rồi! -Tao không biết….
Cái mồm nó khóc ầm cả lên, tôi ôm đầu khổ sở nhìn xuống dưới chân:
-Có rồi.! -Có gì cơ?
Tôi xách đôi dép đi dưới chân lên cười híp mắt, nó cũng quệt nước mắt nín ngay. Hôm đó hai đứa ngồi với nhau mút kem cho phù mỏ. Sung sướng thì hưởng chung, tối tôi đi chân đất về nhà, bị Ba tôi lôi ra đánh cho lằn đít. Nó nghe tin cũng thôi luôn trò khóc ăn vạ đòi ăn kem, chắc cũng sợ bị đánh lây.
Vậy mà giờ ngồi trước mặt tôi là một thiếu nữ xinh đẹp, với nước da trắng trẻo. Cái má lúm đồng tiền với đôi răng khểnh lộ rõ trên khuôn mặt yêu kiều. Mái tóc lá thả dài càng tô điểm thêm nét đẹp quyến rũ. Mới ba năm không gặp mà trông nó cứ như là lột xác hoàn toàn vậy.
Tôi ngượng ngùng đứng giữa nhà nhìn nó, mặc cho cô Ánh với mẹ tôi thì cứ nhìn tôi mà cười:
-Thằng T lớn quá rồi chị ha, chắc sắp lấy vợ rồi! -Ôi, cái thằng của nợ, vẫn còn nghịch như con nít ấy.
Nguyệt thì đưa tay lên che miệng khi nghe nói về tôi, một nét rất duyên, khác với cái tính chợ búa du côn hồi nhỏ hoàn toàn.
-T, con dẫn Nguyệt đi chơi, ba năm nó chưa về rồi!
Cô Ánh nhìn tôi, tâm lý tách hai đứa tôi ra. Tôi dẫn cô bạn cũ đi thăm lại xóm ,dẫn qua mấy chỗ hồi xưa thường hay chơi đùa.
-Chỗ ngày xưa làm đám cưới này nhớ không? -Chỗ ngày xưa mày cào thằng Nhân này!
Trái ngược với phong cách tao mày của tôi, Nguyệt nhẹ nhàng, từ tốn đáp lại:
-Ừ, mình nhớ mà! -Bạn này nhớ dai ghê.
Ba năm học trong Sài Gòn đủ khiến cho cô bạn tôi quen với cách xưng hô “Bạn này”, mình..rồi thì những mỹ từ dành cho đối phương. Với phong cách trên tôi thì là cậu- tớ, thân hơn thì tao-mày , có khi nó quá suồng sã nhưng ngược lại trên khía cạnh nào đó, nó chỉ ra mối quan hệ bạn bè thân.
Chính vì thế tôi cảm thấy Nguyệt với tôi có vẻ khác xa trước nhiều quá.”Cô dâu” của tôi không còn thân thiết để có thể xưng hô cậu tớ như năm cấp hai, cũng không đủ vô tư để xưng mày tao như cái thời bé tí nữa.
Nhưng cô bạn này vẫn còn nhớ rất rõ những gì đã diễn ra, vẫn cười khúc khích mỗi khi tôi nhắc tới những kỉ niệm thời còn bé. Cây mận nhà cô Tư thời leo trộm, con chó cũ nhà Bác Đậu thời bọn tôi cầm đá chọi chọc nó sủa rượt khắp làng… Chính vì thế với tôi, cô bạn đang đi bên cạnh vừa mới và vừa cũ, nó khiến cho con người có cảm giác khó tả, không biết nên nói sao cho hợp lí và cũng không biết ứng xử sao cho nó không quá lạnh nhạt cũng không quá thân mật.
Dẫn Nguyệt đi lung tung khắp xóm, mọi người quen đều chào hỏi hai đứa:
-T bao giờ cưới con Nguyệt hả cháu? -Nguyệt hả, xinh ghê bác nhận không ra luôn! -Chà, lớn tưởng dữ bay, thời ăn trộm trái cây nhà tao còn bé xíu, thò lò nước mũi mà giờ đã cao từng này hết rồi.
Nguyệt chỉ nhẹ nhàng chào và đáp lại, rồi lững thửng chạy theo tôi đường của vào nhà Nhân đen. Khẽ rung rung cái cửa cổng bằng gỗ, nổi bật giữa đám dâm bụt xanh được tỉa thẳng hàng, tôi báo hiệu nhà có khách. Cô Huyền đi ra vui vẻ:
-T đến chơi hả con, vào đi con! -Ơ, cháu là……. -Dạ, Nguyệt con cô Ánh đó cô. -Trời, sao giờ khác vậy con, xinh hơn xưa nữa. -Vậy là trước giờ cô chê Nguyệt Xấu chứ gì!-Tôi chen vô phá đám.
Nguyệt nhìn nhìn và hứ tôi, kiểu như không thèm chấp. Giả sử lúc này tôi với nó còn cỡ bốn năm tuổi, dễ nó nhào vào cào tôi chứ chẳng hiền lành thế này đâu. Chào cô Huyền và bước ngược trở ra đường đi xuống quán cà phê trong xóm, tôi lùng bùng chửi thằng Nhân đen:
-Cái thằng đen từ đầu tới cuối, lúc cần thì không có mặt.
Nguyệt đi sau tôi, tranh thủ nhìn những hàng cây hai bên đường, vẻ mặt đăm chiêu lắm. Chọn bàn cà phê sát dưới tán cây lộc vừng, tôi nhâm nhi li cà phê đen cho buổi sáng bất ngời. Nguyệt thì cầm ly nước ép xoay xoay trên mặt bàn. Hai đứa nhìn nhau, rồi ra dấu mời uống nước, tuyệt nhiên chẳng biết mở lời thế nào. Vì những gì chung từ nhỏ đã nói hết rồi. Có chăng là chuyện ba năm qua.
Nguyệt bỗng ngước mặt nhìn tôi, mỉm cười rồi tự nhiên mở lời trước:
-T, bạn học hành sao rồi! -Ờ, thì bình thường….cũng bình thường.. -Học lớp nào vậy..! -A11, giờ là 11A11 rồi.
Nàng im lặng suy nghĩ cố lưu lại tên lớp tôi, rồi lại nhìn tôi cười:
-Bạn có phải đứng lớp như năm cấp hai không. -Ờ…thì thỉnh thoảng.còn chứ sao! -Vẫn vậy nhỉ!
Hai đứa tôi lại nghệt mặt nhìn nhau, nàng đưa mắt nhìn cảnh xung quanh, còn tôi thì dán mặt vào cái logo quỷ đỏ cầm đinh ba trên áo mình.
-Có người yêu chưa? -Hả? -Có người yêu chưa, bạn hả gì vậy? -Ờ …chưa!
Thực chất, tôi không muốn giấu Dung với nàng, mà vì nàng với Dung chắc cũng chưa có cơ hội gặp nhau đâu. Khai ra chi để rồi bị chọc quê.
-Xạo, vậy mà chưa có người yêu. -Chưa, tao…..ờ mình nghịch quá nên bị ghét chứ chưa..!
Nguyệt lại đưa tay che miệng cười, điệu bộ giữ ý tứ này có lẽ tôi sẽ thích nếu gặp một cô gái mới quên, chứ đối với cô vợ từ nhỏ này thì có lẽ là không nên.
-Mà sao ba năm rồi chưa về nhà vây? -Mình bận học đó, hết học chính thức là học thêm, liên tục luôn, chẳng biết đi đâu chơi cả. -Ừ, bữa trước có ghé qua nhà, mà thấy nhà đóng cửa. -Hì, bữa đó đi chơi với bạn đó, về nghe mẹ nói cũng tiếc quá trời.
Mặt tôi xịu lại,vì kết quả không như tôi mong chờ. Con vợ từ bé của tôi nếu là ba năm trước chắc nó đã chửi tôi xa xả:
-Sao mày không ghé nhà tao, không biết chờ à!
Dù lí do là vô cùng oái ăm nhưng còn đỡ hơn cái từ tiếc thốt ra một cách nhẹ nhàng như vậy.
-Hè này về được lâu không vậy, Nguyệt? -Ừ, thì hai ngày nữa vào lại Sài Gòn đó! -Nhanh vậy sao!
Nguyệt chị gật đầu và cười mỉm, vẻ ra chiều đồng ý với tôi.
Xịu mặt tôi cầm cái ly cà phê lắc lắc, kiểu như cho nỗi buồn tan vào trong. Ba năm về thì đổi tính, không còn thân với mình như xưa, về được hai ba ngày rồi đi. Dễ sau này gặp lại thì chắc không nhìn mặt nhau mất. Nguyệt vẫn ngồi đó, tế nhị và duyên dáng, nhìn tôi đang cau có thì cũng ngoảnh mặt sang chỗ khác mà cười:
-Yên tâm, vô lại đó rồi lại về đây cơ mà! -Hả, về chi lắm vậy, đi đi về về hoài! -Bạn không muốn mình về à? -Không, không, muốn, nhưng mà……
Nguyệt vẫn cười :
-Yên tâm đi, sắp tới đuổi cũng không đi……
Nói xong câu đó, Nguyệt nhìn tôi một cách đầy ẩn ý. Chắc là động viên tôi thôi, chứ mấy đời đang học hè lại đi đi về về hoài. Suốt buổi cà phê sau đó là khoảng cách giữa tôi và cô bạn lâu chưa gặp, một khoảng cách đủ gần cũng đủ xa để khiến cho không khí nhanh chóng chìm vào im lặng. Kể cả lúc sau đi về nhà tôi thì mỗi người vẫn theo một suy nghĩ riêng, không ai nói với ai lời nào. Tôi đi trước, Nguyệt đi sau ngắm cảnh. Đó cũng là ngày duy nhất khác thường trong một tháng nghỉ hè của tôi.
Qua tuần sau, Nhân đen cũng từ nhà Bác Cả nó trở về, hào hứng chia quà cho tôi đang ngồi thểu não vì chán ở trước nhà.
-Ăn đi, sao vậy mày! -Hai da….! -Gì đó mày, cái gì mà thở dài! -Tao gặp Nguyệt rồi! -Ở đâu, bao giờ, giờ đâu? -Đi rồi, về lại Sài Gòn rồi. -Sao mày không nói tao? -Nói với mày làm gì, dẫn đến cả nhà mày mà có thấy mặt mốc mày đâu!
Nó im lặng tiếc nuối ngồi cạnh tôi, để mặc quả xoài đang cạp dở trên tay. Tôi cướp rồi cắn một miếng nhai trệu trạo:
-Thôi, đừng buồn, có duyên gặp lại!
Nhân đen chắc cũng tiếc vì không được gặp bạn, ừ đại cho qua chuyện. Rồi hai thằng lại bàn chuyện học hè sắp tới. Náo nức vì sắp được gặp lại anh em chiến hữu sau một tháng xa cách quên bẵng đi chuyện của Nguyệt. Nhưng có lẽ cả hai thằng tôi đều không ngời tới, cái lớp a11 chuẩn bị trải qua nhiều phen bất ngờ hơn sắp diễn ra mà có lẽ một kịch bản chẳng mấy ai ngờ tới nhất. Một sự sắp đặt của ông trời để sau này mỗi lần kể lại hai thằng tôi vẫn phải ôm bụng cười.