Theo sự tin tưởng của nhiều người, việc ma xuất hiện thường không nhằm mục đích cố định nào. Tuy nhiên, đã có nhiều trường hợp được ghi nhận cho thấy những hồn ma đã đóng một vai trò tích cực trong việc phát giác và ngăn ngừa tội phạm.
Một trong những trường hợp nổi tiếng nhất là vụ ám sát tại lâu đài Cawood, một lâu đài cổ bên Anh. Chuyện được kể lại như sau:
Cách đây nhiều năm, một buổi trưa thứ ba, tháng Tư, một người đàn ông tên là Lư Thao (Lofthouse) đi làm đồng gần lâu đài Cawood.
Sau khi tưới mấy luống rau, Lư Thao đi tới một cái ao gần bên, định lấy thêm một thùng nước nữa.
Trong lúc đang đi, đột nhiên anh nhận thấy có một thiếu phụ đi trước anh mấy bước, mà chỉ thoáng nhìn Lư Thao cũng nhận ra đó là người chị vợ.
Ngạc nhiên vì chồng của bà này, Uy Liêm (William), nói rằng vợ ông ta đã về thăm nhà từ chiều hôm trước, Lư Thao bèn rảo bước tính qua mặt để hỏi chuyện, nhưng dù cố đi lẹ tới đâu đi nữa, người đàn bà phía trước vẫn luôn giữ một khoảng cách cố định, dù không có vẻ bước vội vã hơn.
Lư Thao bèn đi lẹ hơn nữa, gần như chạy, nhưng khoảng cách giữa hai người vẫn không thay đổi cho tới khi người đàn bà đi tới bờ ao, nơi Lư Thao định tới để lấy nước.
Ngồi xuống cạnh bờ ao, người đàn bà thả một vật màu trắng xuống nước đong đưa qua lại. Vật này có vẻ hơi mờ mờ và khó nhận nhưng Lư Thao linh cảm rằng đó là một đưá bé. Bà Uy Liêm có một đứa con mới được vài tháng.
Trong lúc Lư Thao chuẩn bị bước tới hỏi người chị vợ xem tại sao bà ta không về thăm nhà mà lại ngồi đây thì người đàn bà đột nhiên biến mất khiến Lư Thao hết sức hoang mang.
Thử ngắt vào tay một cái, Lư Thao thấy đau. Anh bèn dụi mắt nhìn quanh nhưng chẳng thấy gì.
Tin rằng mình vừa nhìn thấy một hồn ma, và linh cảm điều gì hết sức bất thường, Lư Thao vội bỏ việc đồng áng chạy về thông báo những gì vừa xẩy ra cho Uy Liêm.
Vừa gặp mặt người anh cột chèo, Lư Thao hỏi dồn dập:
Uy Liêm, chuyện gì đã xẩy ra cho vợ con anh? Anh nói với tôi là họ về bên ngoại chơi. Nhưng chỉ cách đây mấy phút tôi nhìn thấy cả hai ngồi bên bờ ao gần lâu đài Cawood. Tôi linh cảm rằng họ đã bị hại. Anh có biết gì về việc này hay không?
Mặt Uy Liêm đột nhiên nhợt nhạt như tờ giấy trắng, lập bà lập bập nói rằng theo chỗ anh ta được biết, vợ con anh ta còn đang ở bên ngoại, mấy hôm nữa mới về.
Thái độ hoảng hốt và những lời nói ấp úng của Uy Liêm khiến Lư Thao tin rằng anh ta nói láo, Lư Thao bèn tới gặp các viên chức sở tại trình bày tự sự. Giới hữu trách bèn cho người tới gặp Uy Liêm. Sau khi nói chuyện với anh ta, các viên chức thẩm quyền quyết định cho lệnh tát cạn nước ao.
Vì cái ao không sâu lắm nên hầu như ngay sau đó người ta tìm thấy xác hai mẹ con bà Uy Liêm dưới đáy.
Uy Liêm bị treo cổ lập tức, nhưng người ta không hiểu liệu kẻ sát nhân có phải đền tội hay không nếu hồn ma vợ hắn không hiện lên tố cáo nội vụ?
* * *
Một câu chuyện khác liên hệ tới hồn ma và tội phạm đã xẩy ra tại Guilsborough, một ngôi làng cổ ở bên Anh vào năm 1764.
Đầu năm 1764, một khuôn mặt quen thuộc với cư dân trong làng này là một người bán hàng rong tên là Lỗ Thi (Scottie). Đã từ nhiều năm qua, cứ mỗi sáu bẩy tuần lễ, Lỗ Thi lại tới ngôi làng này một lần và lần cuối cùng ông ta tới đây là vào tháng Hai hoặc tháng Ba.
Nhiều tháng sau không thấy Lỗ Thi trở lại, dân làng thắc mắc không hiểu chuyện gì đã xẩy ra cho người bán hàng rong quen thuộc này. Bất ngờ, một câu chuyện lạ lùng xẩy ra rọi một tia sáng vào sự vắng mặt bất thường của Lỗ Thi.
Một hôm, bà hiệu trưởng trường làng thoáng nghe một nam sinh tên là Sa Mạc đe dọa một bạn đồng học trong một cuộc cãi lộn rằng cậu ta sẽ đối xử với người bạn học giống như cha cậu đối xử với Lỗ Thi.
Nghi ngờ lời đe doạ này có liên hệ tới sự vắng mặt bất thường của Lỗ Thi, bà hiệu trưởng cho gọi Sa Mạc lên văn phòng, hỏi cậu bé xem lời đe dọa của cậu có ý nghĩa gì.
Khi cậu bé từ chối tiết lộ, bà bèn nhốt cậu ta vào tủ trước khi mời các hương chức trong làng tới.
Sau khi bị vặn hỏi hồi lâu, Sa Mạc bèn thuật lại câu chuyện như sau: Vào buổi chiều cuối cùng mà dân làng thấy Lỗ Thi, sau khi rời ngôi làng Guilsborough, người bán hàng rong này đã ghé lại nhà cậu, nằm trong một thung lũng cô đơn không cách xa ngôi làng là mấy.
Khi Lỗ Thi tới nơi, cha cậu bé đang tiếp hai người bạn, Ba Râu và Tư Búa, hai tên bất lương nổi tiếng trong vùng.
Khi biết Lỗ Thi đã thu được một món tiền hàng khá lớn trong ngày hôm đó, cả ba bèn quyết định làm thịt người bán hàng rong bất hạnh này.
Chúng phục rượu cho Lỗ Thi đến lúc say mèm trước khi hạ sát ông này một cách thật khủng khiếp: Chúng cắt tử thi người bán hàng rong thành nhiều mảnh nhỏ trước khi bỏ vào lò gạch đốt thành than.
Cậu bé Sa Mạc khai rằng lúc đó, cậu và đứa em trai, qua một cái lỗ nhỏ trên lầu, đã chứng kiến tận mắt vụ án mạng từ đầu đến cuối nhưng vì quá kinh hoàng nên không dám cục cựa.
Sau lời khai của Sa Mạc, các hương chức bèn kéo nhau tới nhà cậu bé. Biết nội vụ đã vỡ lở, mẹ cậu bèn hợp tác với nhà chức trách, xác nhận câu chuyện của Sa Mạc.
Ba tên sát nhân bị bắt giữ, xét xử và bị treo cổ dù cả ba vẫn chối tội đến giây phút cuối.
Buổi tối sau ngày ba phạm nhân bị hành hình, vị linh mục tại khám đường Northampton, nơi ba can phạm bị giam giữ, ngồi trầm ngâm trong phòng đọc sách thắc mắc không biết có phải bộ ba này đã thực sự sát hại Lỗ Thi hay không. Ông thắc mắc vì dân làng đồn rằng vụ này do chính mẹ cậu bé dàn cảnh vì hai vợ chồng bà ta luôn luôn lục đục. Ngoài ra, việc cả ba phạm nhân đều không nhận tội khiến vị linh mục cảm thấy hết sức nghi ngờ.
Ông ngả lưng xuống ghế và trong khi đầu óc đang đặt ra một vài giả thuyết thì đột nhiên một luồng hơi lạnh khiến ông rùng mình và có cảm tưởng như có người lạ mặt vừa xuất hiện trong phòng.
Ngước mắt nhìn lên, ông ngạc nhiên khi thấy một người đàn ông đang đứng ở phía bên kia bàn.
Thoạt tiên, ánh nến mù mờ khiến vị linh mục không nhìn rõ được người đối diện, nhưng sau khi định thần nhìn kỹ, ông kinh hoàng khi nhận ra người này chính là Ba Râu, kẻ mới bị treo cổ 24 tiếng đồng hồ trước đó.
Vị linh mục mở miệng toan lên tiếng nhưng nỗi kinh hoàng khiến ông nói chẳng nên lời.
Ông ở trong trạng thái gần như bất tỉnh khi người đối diện khởi sự lên tiếng:
Tôi là Ba Râu. Tôi tới đây để nhờ ngài thông báo với tất cả mọi người rằng chính ba đứa chúng tôi chịu trách nhiệm về cái chết của Lỗ Thi. Chúng tôi đã hạ sát ông ta đúng như lời thằng bé Sa Mạc và mẹ nó khai trình.
Nếu ngài muốn được minh chứng rằng đây là những lời nói chân thành của Ba Râu, và ngài không hề mơ ngủ, xin ngài hãy ra tới cánh đồng ngay phía sau nhà Sa Mạc, đào dưới gốc cây thông thứ ba ngay cạnh cái máy bơm nước, ngài sẽ tìm thấy một cái hộp trong đó có cái nhẫn của Lỗ Thi.
Ngài sẽ nhận diện cái nhẫn này một cách dễ dàng vì trên nhẫn có khắc hàng chữ <>. Và lời cảnh cáo này đã trở thành sự thực.
Xin ngài giúp chúng tôi làm sáng tỏ việc này, vì chỉ có thế, những linh hồn đầy tội lỗi của chúng tôi mới có thể siêu thoát được. Dứt lời, người đàn ông bước lui và đột nhiên tan biến vào bóng đêm. Ngọn nến đột nhiên bùng sáng và mọi việc trở lại bình thường.
Sáng hôm sau, vị linh mục tới cánh đồng phía sau nhà Sa Mạc, đào dưới gốc cây thông thứ ba bên cạnh cái máy bơm nước. Phía dưới là một cái hộp trong đựng cái nhẫn của Lỗ Thi với lời cảnh cáo mà hồn ma Ba Râu đã nhắc tới vào đêm hôm trước.
Một trường hợp lạ lùng khác, không thể cắt nghĩa được, đã giúp ngăn chận được một án mạng.
Vào đầu thế kỷ 20, một đêm nọ, một người đàn ông tên là Thành Tân nằm mơ thấy ông đang đứng ở trong ngôi vườn sau nhà, chờ đợi một cái gì sắp xẩy ra mà ông không biết.
Một lúc sau, ông nghe có tiếng người nói, và dưới ánh trăng, ông nhận ra đó là người làm vườn và cô đầu bếp của ông. Hai người đang nói chuyện có vẻ say sưa thì đột nhiên người làm vườn chụp cổ cô gái, đè cô xuống đất xiết cổ tới khi cô gái tắt thở trước khi ném xác cô xuống một cái hố.
Quá kinh hoàng, ông Thành Tân toan chạy tới thì... giật mình thức giấc, mồ hôi đầm đìa như tắm.
Giấc mơ khiến ông trằn trọc hồi lâu mới ngủ lại được, nhưng khi vừa chợp mắt, ông lại nằm mơ y hệt giấc mơ lúc trước và cũng choàng tỉnh khi toan chạy tới cứu cô gái.
Lần này, ông không ngủ lại nữa mà quyết định cầm đèn ra vườn sau, nơi người làm vườn xiết cổ cô gái trong giấc mơ của ông xem có gì lạ hay không.
Khi vừa xuống tới nhà bếp, ông ngạc nhiên nhìn thấy cô đầu bếp, ăn mặc giống hệt như trong giấc mơ của ông, đang chuẩn bị đi đâu thì phải.
Ông bèn hỏi cô gái xem cô tính đi đâu vào đêm hôm khuya khoắt như vậy (lúc đó là ba giờ sáng).
Cô đầu bếp bẽn lẽn nói rằng cô đang chờ người làm vườn đánh xe ngựa tới đưa cô sang làng bên làm đám cưới.
Ông Thành Tân bèn nói với cô rằng ông không phản đối việc cô kết hôn với người làm vườn, nhưng ông không muốn thấy cô ra đi vào lúc nửa đêm nửa hôm như vậy với một người đàn ông.
Cô gái tuy sợ chủ, nhưng trước một việc quan trọng tới cả cuộc đời cô, cô không biết phải làm sao nên có vẻ ngần ngừ.
Thông cảm điều đó, ông Thành Tân yêu cầu cô gái nán lại một chút, chờ ông nói chuyện với người làm vườn trước đã.
Rồi ông vội vã bước ra tận cửa vườn nhìn quanh nhưng không thấy bóng một chiếc xe ngựa nào hết. Trong khi đang tính trở vào nhà thì ông nghe có tiếng ịch ịch như tiếng đào đất.
Lần theo hướng tiếng động, ông thấy người làm vườn đang hối hả đào một cái hố.
Cảm thấy chắc chắn rằng giấc mơ đã báo cho ông biết về một vụ án mạng sắp xẩy ra, ông phóng tới chụp vai người làm vườn. Anh ta vùng vẫy quyết liệt nhưng khi nhận thấy người chụp vai anh là ông Thành Tân, anh ta bèn... ngất xỉu.
Câu chuyện không cho biết vụ hôn nhân có thành hay không - mà theo câu chuyện kể lại có lẽ là không, vì người làm vườn không còn làm việc với ông Thành Tân nữa trong khi cô đầu bếp vẫn ở lại và hết sức cám ơn ông chủ sau khi được nghe ông thuật lại giấc mơ hãi hùng của ông.