Ngày xửa ngày xưa, có 2 vợ chồng nhà kia nghèo khó lắm, hai vợ chồng phải đem nhau ra ở trong cái hang núi lạnh lẽo, chồng ngày ngày giả làm người què, chống gậy đi ăn xin: "lạy ông lạy bà, bố thí cho con, cho kẻ tật nguyền". Vợ ở nhà bòn mót củ khoai củ sắn nấu ăn cho qua ngày, chồng không cho ăn no, ăn ngon. Họ không có con cái gì cả. Người chồng xin được đồng xu nào, đưa về cho vợ cất kĩ trong hang, không dám ăn xài gì cả, áo quần thì rách rưới, hắn tằn tiện, chỉ mơ ước làm giầu.
Một hôm, có ông thầy đồ là người tốt bụng đi qua chỗ Thạch Sùng ngồi ăn xin, thầy đồ nói với hắn rằng:
- Tao thấy hai con trâu từ dưới nước đi lên, húc nhau chí tử, đó là điềm trời sắp có mưa bão, lụt lội to, dân gian đói khổ vì không còn đủ gạo ăn.
Thạch Sùng nghe nói vậy thì mừng lắm. Hắn định bụng sẽ đem hết tiền đi mua gạo để tích trữ. Về hang hắn bảo vợ lấy tiền ra đưa cho hắn, rồi hắn đi mua hết gạo các nơi đem về để dành.
Mấy tháng sau, trời làm lụt lội, không cày cấy được, dân làng gặp cơn đói kém, Thạch Sùng và vợ đem gạo ra bán với giá cắt cổ, gấp trăm lần giá ngày thường. Hắn kiếm được rất nhiều tiền, và trở nên giầu có. Về hang, hắn đập tan hết nồi niêu, đốt hết quần áo nghèo hèn dơ dáy, rồi lớn tiếng hô: "Kể từ giờ phút này Thạch Sùng đã chết".
Từ giã hang, vợ chồng đi mua áo quần sang trọng, đồ đạc quí hóa, tậu nhà, tậu ruộng, nuôi con ăn người ở đầy nhà.
Một hôm Thạch Sùng mời ông quan làng đến nhà ăn tiệc mừng hắn mới mua được chức quận công. Ông quan ban đầu không muốn đến nhà tên khố rách áo ôm nghèo khó xưa, nhưng rồi ông quyết đến xem nhà hắn bây giờ giầu có thế nào?
Sau bữa tiệc, Thạch Sùng và ông quan làng kheo khoang của cải xem ai giầu có hơn. Hai người thách nhau đưa của cải ra đớ nhau. Đôi bên bằng lòng.
Trong khi đó ông thầy đồ trong làng rất bực mình với Thạch Sùng đã lợi dụng tình thế, vơ vét của cải ruộng vườn của dân. Ông đi đường gặp vợ Thạch Sùng đang ngồi buồn sầu ủ rũ, bà ta cho biết là chồng đã đốt hết quần áo, đập hết chén đĩa cũ rồi, hắn cho vợ chưng diện quần áo mới, nhưng bây giờ hắn đuổi vợ ra khỏi nhà để cưới vợ khác.
Đến ngày hẹn, ông quan đưa ra món gì thì nhà Thạch Sùng có món đó, dù là ngọc ngà quí hóa thế nào, y cũng có.
Tức mình, ông quan làng trở về nhà suy tính làm cách nào chứ thua Thạch Sùng thì xấu hổ lắm. Đang khi đó, ông thầy đồ đến hiến kế, bảo đảm Thạch Sùng sẽ thua, với điều kiện nếu thắng thì của cải ruộng đất của Thạch Sùng sẽ trả lại cho dân làng, đồng ý thì phải viết vào giấy tờ. Ông quan suy tính rồi bằng lòng điều kiện thầy đồ đưa ra và ký tên vào văn tự.
Ông quan và Thạch Sùng đấu tiếp, lần này ông quan ra điều kiện, ai thua phải trao hết của cải ruộng vườn cho người kia. Thạch Sùng nắm chắc sẽ thắng nên không ngần ngại ký tên vào văn tự. Lần lượt hai bên đưa các đồ quí ra. Sau cùng ông quan đưa ra một gói đồ, mọi người hồi hộp chờ đợi xem món gì. Mở ra thì đó chỉ là cái tô lớn đã bị sứt mẻ, chứ không phải là món đồ quí giá, nhưng Thạch Sùng lại không có, chén đĩa hắn đập tan nát hết rồi.
Thạch Sùng thua cuộc, ngồi đờ người ra như chết, tiếc của đứt ruột, đang giầu có bỗng trở nên tay trắng. Hắn ngã lăn ra đất, biến thành con rắn mối kêu "tiếc, tiếc, tiếc, tiếc", sau này người ta gọi nó là con thạch sùng.
Ông quan thắng cuộc vui mừng, liền lúc đó thầy đồ bước vào, đưa tờ giao kèo ra, quan hết chối cãi, thế là của dân phải trả cho dân. Mọi người vui vẻ tưng bừng.