CHƯƠNG MƯỜI HAI: CHUYỆN NĂM 2002 (phần 2)
Còn năm ngày nữa là đến sinh nhật, Lương Duyệt chuẩn bị về nhà thăm bố mẹ.
Ngồi thu lu trên chiếc ghế cứng của chiếc xe xóc suốt dọc đường, Lương Duyệt đã chuẩn sẵn những lời sẽ nói với bố mẹ khi gặp. Nhưng khi xuống khỏi xe, cô lập tức quên sạch những lời ấy. Cô ra khỏi bến với tâm trạng rất căng thẳng, Ánh nắng rất gay gắt, khắp bến chỉ toàn thấy những bóng người trắng loá, chen chúc nhau.
Túi hành lý xách trong tay nặng chình chịch, cô chỉ còn biết tránh người một cách bản năng mỗi khi thấy có ánh sáng chiếu vào mặt.
Cha cô đứng ở một chỗ dễ nhìn thấy nhất ở cổng của bến xe, dáng người cha cao gầy, dù ra khỏi cổng về phía nào thì cũng có thể nhìn thấy ông. Khi ông nhìn thấy Lương Duyệt với những bước chân chầm chậm, ông vội bước lên mấy bước rồi lặng lẽ giằng lấy chiếc túi xách, quay người bước ra khỏi cổng bến xe. Cô bước theo cha với tâm trạng áy náy, mãi cho tới khi ra hẳn khỏi bến. Ở ngoài đó, mẹ cô đang sốt ruột đi đi lại lại ở chỗ thuê xe, nhìn thấy con gái bình an trở về, bà không khỏi nghẹn ngào, Lương Duyệt cũng nghẹn ngào như mẹ.
Về đến nhà, mẹ cứ kéo cô để hỏi chuyện, còn cha cô thì lập tức vào bếp sau khi bước vào nhà, có tới cả hai tiếng đồng hồ vẫn không thấy ông quay ra. Mãi tới khi nghe tiếng đũa bát lanh canh, mẹ cô mới đưa mắt cho cô, ý muốn bảo cô vào bếp nói với cha mấy lời hoà giải. Cô chần chừ rồi cũng làm theo, nhưng đến của bếp cô lại không biết mình nên nói gì, thế là cô cứ đứng ở đó như trời trồng, mấy lần mở miệng xong lại thôi.
Từ nhỏ đến lớn, cha luôn để lại cho cô ấn tượng về một sự giáo dục nghiêm khắc, bất kỳ lúc nào mặt ông cũng nghiêm nghị như vậy, lời lẽ cũng rất uy nghiêm, gay gắt. Chỉ đến lúc này cô mới phát hiện ra rằng, tấm lưng đang quay về phía cô của ông đã còng đi, nó không còn thẳng như trong ký ức của cô, tóc hai bên mang tai cũng đã bạc thành một mảng trắng.
Đôi cánh tay từng bế cô đi chơi khắp nơi, giờ đây trở nên gầy guộc và nhăn nheo, những tháng ngày đầy niềm vui thời thơ bé vừa gần gũi nhưng lại cũng rất xa xôi.
Cô cố gắng mím chặt đôi môi, nước mắt bỗng trào ra như suối.
Cha cô quay đầu lại, ông đứng sững tại chỗ nhìn khuôn mặt đầm đìa nước mắt của con gái, biết con ân hận và day dứt, vì thế ông có vẻ mất tự nhiên nên đưa mắt nhìn ra ngoài. Một hồi lâu sau, ông mới quay người lại, bê chiếc mâm từ trên giá đưa cho Lương Duyệt, mặt sầm xuống, nói với cô: “Ra gọi mẹ con vào để cả nhà ăn cơm đi!”
Lương Duyệt vẫn nghẹn ngào, để nguyên khuôn mặt đầy nước mắt, đưa tay đỡ lấy mâm. Khi cô cúi xuống, nước mắt rơi xuống cả mâm cơm.
Trên mâm cơm ấy có món chân gà nướng mà cô thích ăn nhất.
Lại là một thời khắc cả nhà quay quần bên nhau, lại là một mâm cơm thịnh soạn, tuy thức ăn món thì mặn tới mức rùng mình, món thì nhạt toẹt, chẳng có món gì là ngon thực sự, nhưng lại là những món mà cha cô tự tay nấu sau hai mươi sáu năm kết hôn chưa một lần vào bếp.
Cô bê bát cơm ngồi trước bàn ăn, mỗi lần gắp thức ăn là một lần nước mắt lại rơi lã chã, đôi tay cầm đũa cứ run lên. Để cho mẹ không nhìn thấy, cô chỉ còn cách tì miệng chặt vào bát, rồi miếng cơm chan nước mắt và vào miệng.
Cha cô không ăn, mà chỉ ngồi bên phía đối diện, lặng lẽ chau mày rít thuốc, hết điếu này đến điếu khác, không nói câu nào.
Nhìn thấy cô ăn sắp xong, ông mới ho một tiếng, hỏi: “Cậu ta là người như thế nào?”
Cha và mẹ cô đều quan tâm đến điều này, nhưng họ đã nén suốt nửa ngày, bây giờ mới nói ra. Lương Duyệt ngẩng đầu, cố nuốt nốt miếng cơm đắng chát trong miệng, rồi mới cười để cha thấy: “Anh ấy là người rất thật thà, và đối xử với con rất tốt. Bây giờ đã là người quản lý của công ty và được công ty trọng dụng. Đợi ít nữa chúng con có tiền, chúng con sẽ mua nhà và đón cha mẹ tới ở với chúng con.”
Nói dối mà mặt không đỏ, trống ngực không đập liên hồi, đúng là một việc rất khó.
Cô không biết là mình có tài nói dối bẩm sinh hay không, chỉ thấy cha mẹ ngồi phía đối diện khi nghe những câu trả lời này của cô đã thở phào một cái nhẹ nhõm. Cha cô còn rít một hơi thuốc thật mạnh, nói: “Nếu có thời gian hãy đưa nó về đây. Chuyện với nhà họ Mạnh cha và mẹ con cũng đã giải quyết ổn thoả rồi, không có gì phải lo nữa đâu.”
Nhà họ Mạnh, đó mới là nguyên nhân chính khiến Lương Duyệt thấy mình có lỗi với cha mẹ.
Hoàn cảnh gia đình chân chất, giáo dục gia đình nghiêm khắc, vì thế mà từ nhỏ Lương Duyệt đã là một đứa bé ngoan, cô luôn tự nhận mình có những phẩm chất tốt đẹp hồn hậu, chất phác của tất cả những con người sống trong vùng đất nhỏ bé ấy. Nhưng cô đã không có duyên với cậu Mạnh Húc mà cha mẹ ấn định là hôn phu của cô. Hai mươi tuổi dạm ngõ, khi tốt nghiệp đính hôn, tất cả chỉ trong vòng có nửa năm. Nhưng Lương Duyệt đã không chấp nhận được cuộc sống như vậy, cô đã từ hôn và bỏ đi đến Bắc Kinh, lý do ban đầu chỉ là vì một người bạn quen qua mạng Internet chưa hề biết mặt. Dù nói thế nào thì đó cũng là một cú giáng rất mạnh vào người cha vốn rất coi trọng lễ giáo của cô.
Điều đáng nói là, nhà họ Mạnh cũng là gia đình có máu mặt ở khu vực này, họ không thể chấp nhận nổi việc bị phía nhà gái từ hôn. Khi Lương Duyệt quyết định từ hôn, cô đã phải dùng tới mười mấy ngày để đối phó với những người đến để khuyên giải. Hết người thân đến bạn bè, rồi đến cả cha mẹ của Mạnh Húc. Nhưng Lương Duyệt đã quyết tâm, dù ai nói gì cô cũng không thay đổi quyết định.
Lúc đó cô đã rất cô đơn. Mẹ cô vì bị cha ngăn cản nên cũng không thể giúp được gì cho cô, còn cha cô thì chỉ vào mặt và bảo cô rằng, chuyện mình gây ra thì phải tự mình giải quyết, mình phạm sai lầm thì tự mình phải chịu trách nhiệm, đừng để cho người khác phải giải quyết hậu quả. Chính vì vậy, chẳng ai có thể giúp được cho cô trong lúc đó, cô cần phải dùng sự kiên định để xác định rằng, sự lựa chọn của mình là sáng suốt.
Có lẽ, tính cách không chập nhận thua của cô được hình thành lên từ đó, càng không có người giúp cô càng có thói quen bề ngoài tỏ ra cứng cỏi, bởi vì cũng bắt đầu từ lúc đó, cô đã bắt đầu hiểu được rằng, mình phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình.
Tất cả mọi dị nghị và chỉ trích tới tấp đổ xuống đầu cô, nó đè nặng lên cô, khiến cô thấy ngạt thở, thế là cô chọn cách dùng những lời sắc lạnh để đáp trả.
Chỉ duy nhất, khi Manh Húc tới, cô không thể dùng lời lẽ sắc lạnh đối đáp được. Ngược lại, cô cảm thấy rất day dứt, day dứt thực sự. Mặc dù có một số việc không thể nói ra cho rõ ràng, nhưng người mở miệng thốt ra lời từ hôn chính là cô.
Cô chỉ còn biết khóc, chẳng thể nào nói cho gẫy gọn, ngoài việc lặp đi lặp lại lời xin lỗi. Mạnh Húc đưa bàn tay lạnh ngắt từ từ nắm lấy tay cô, suy nghĩ một hồi lâu mới nói một câu, anh không trách em.
Đó là câu an ủi lớn nhất và duy nhất trong hơn chục ngày qua, mà lại là được thốt ra từ miệng của người đàn ông bị cô làm tổn thương.
Sau này nghe người khác kể lại, suốt thời gian ấy Mạnh Húc đã rất đau khổ. Có thể lúc đầu khi đặt vấn đề với Lương Duyệt là do lý do cha mẹ, lúc ấy Lương Duyệt mới hai mươi tuổi vẫn còn chưa hiểu hết mọi chuyện, bỗng dưng có người yêu, còn Mạnh Húc hơn Lương Duyệt bẩy tuổi nên đã đủ độ chính chắn và anh luôn coi cô là vợ chưa cưới. Trong ba năm hai bên đi lại thì có tới hai năm là xa cách. Lương Duyệt đã trải qua cuộc sống đầy màu sắc cuả sinh viên, còn Mạnh Húc thì luôn nói với những người khác rằng mình đã có người yêu và một mực chờ đợi cô.
Sau khi tốt nghiệp và ở bên nhau, Lương Duyệt mới phát hiện ra rằng, hai người hoàn toàn không hợp nhau. Nhưng lúc ấy cô đã mang tiếng là con dâu tương lai của nhà họ Mạnh, nên phải thường xuyên xuất hiện trong các dịp lễ tết, hay các cuộc gặp mặt lớn nhỏ của nhà họ.
Nói lời chia tay là một việc thật khó khăn, trước con mắt nghiêm khắc của cha, cô không đủ can đảm nói ra điều đó, mãi cho tới khi cô có được dũng khí và sự kiên cường từ một người con trai khác.
Quá tàn nhẫn, dù đã ba năm trôi qua rồi nhưng Lương Duyệt vẫn cảm nhận rất rõ về sự tàn nhẫn của mình, sự tàn nhẫn ấy không chỉ với nhà họ Mạnh.
Cô mãi mãi cũng không thể biết được rằng, khi cô quyết định xa rời gia đình tới Bắc Kinh phát triển, cha cô đã phải đối phó với sự chỉ trích lẫn quan tâm của bạn bè và thân thích xung quanh; cô không khi nào biết được. Khi cô quyết định bỏ nhà ra đi không chút hối hận, thì cha cô đã phải trải qua sự tuyệt vọng và lo lắng thế nào.
Cô đã không quay đầu lại,và lựa chọn ra đi dứt khoát, hai năm sau mới dám đối diện với cha mẹ. Vì thế, khi nghe cha cô nói như vậy, cô vội trả lời rất thật: “Vâng, lần sau con sẽ đưa anh ấy về.”
Lần này, cô đã nhìn thấy sự tha thứ, an ủi trong mắt cha và những giọt nước mắt trong mắt mẹ.
Con cái bất hiếu là nỗi đau của cha mẹ.
Lương Duyệt sẽ không bao giờ quên, không bao giờ quên mình đã đẩy người thân rơi vào tình cảnh khó khăn như thế nào. Cha cô, một con người cương trực, luôn ngẩng cao đầu gần trọn cuộc đời, chưa bao giờ phải cúi mình trước bất cứ ai, nhưng ông đã phải mãi mãi khom mình trước nhà họ Mạnh, mà tất cả những đau khổ ấy đều từ việc cô con gái bướng bỉnh, từ tình yêu mà vợ chồng ông dành cho con gái mà ra.
Tối hôm ấy, Lương Duyệt đã ngủ chung giường với cha mẹ. Nhà cô không thiếu chỗ, nhưng cô thấy được ngủ bên cạnh cha mẹ mới thực sự dễ chịu và yên tâm. Cô đã dùng cả buổi tối để kể cho cha mẹ nghe về những điều thú vị ở Bắc Kinh, rồi cả những lời khen Chung Lỗi nữa, cô hy vọng những điều mà cô đã thêu dệt ra sẽ làm cha mẹ yên lòng, ít nhất thì họ cũng sẽ nghĩ rằng cuộc sống của cô được yên ổn và không có gì đáng lo.
Cô sẽ không bao giờ nói cho cha mẹ biết về cái giá mà cô phải trả, cô cũng sẽ không nói cho họ biết về những vất vả mà cô đã phải chịu đựng. Cha mẹ sống cách xa cô hàng ngàn cây số, cô chỉ có thể tạo cho họ một giả tưởng về tương lại tốt đẹp.
Cũng có thể ba năm sau, khi mà họ muốn được chứng minh , thì cô và Chung Lỗi đã làm được những điều đó rồi. Như vậy thì những lời nói dối đã trở thành sự lừa gạt tốt đẹp. Và tất nhiên, trong những lời nói dối ấy có cả niềm tin đối với tương lai thúc đẩy cô dám xông pha, bởi vì họ là những người thân thiết nhất của cô.