Chiều hôm nọ, cách đây vài tuần, con nghịch và làm vỡ một cái ống thủy tinh trong bộ đồng hồ cát của chị. Món đồ chơi này gồm có mấy ống cát nhiều màu, và là phần thưởng học sinh giỏi mà chị rất thích. Bà N đã phải quét dọn sạch sẽ. Khi mẹ về, con thi thoảng vẫn khoe với mẹ bằng giọng ngọng nghịu: Nghịch cát (mãi mẹ mới suy ra là con làm vỡ đồng hồ cát, và nghịch cát rơi ra). Chị con cất vội phần còn lại đi, ra chiều rất tiếc nuối. Đó là buổi chiều!
Buổi tối, gần đi ngủ, tự nhiên thấy con … nhai cái gì đó sào sạo trong mồm. Tất nhiên chẳng phải thứ gì hay ho rồi. Mẹ bảo “con nhè ra đi”. Rồi mẹ xòe tay hứng.
Mắt mẹ hoa lên vì tay con miết nhẹ vào tay mẹ vài… mảnh thủy tinh nhỏ xíu. Thảo nào âm thanh phát ra khi con nhai chả giống âm thanh của thức ăn gì cả. Bố mẹ đưa mắt nhìn nhau, bàng hoàng.
Chẳng cuống lên làm gì! Cuống chỉ … làm tình hình xấu đi mà thôi. Con mà sợ hãi thì kết quả sẽ rất tệ. Nên mẹ vẫn bình tĩnh chờ con nhè ra từng tí từng tí một, có miếng bé xíu, chỉ như cái dằm. Có miếng còn cắm nhẹ vào da tay mẹ, hơi nhoi nhói.
Phải mất rất lâu để con nhè ra hết. Hai mẹ con vào trong toilet lấy nước súc miệng, mẹ cũng phải súc trước để con nhìn và làm theo, hi vọng là con sẽ không nuốt vào bụng lần nào. Ra khỏi toilet, mẹ nhắc nhở con không nên cho thủy tinh vào mồm, sẽ gây chảy máu. Có lẽ qua thái độ sửng sốt và nghiêm khắc của bố mẹ, con cũng đoán ra một phần vấn đề, nên lẹ làng lủi xuống tầng một.
- Sao con đã biết nhiều thứ, biết đọc, biết viết mà vẫn dại thế nhỉ???
Câu hỏi đó đang phình to và sắp nổ tung trong đầu bố mẹ. Cả hai đều căng thẳng, và giả vờ cắm cúi kiểm tra lại xem còn mảnh vỡ nào nữa không. Rất lâu để có thể nói ra thành lời. Và cuối cùng, bố hắng giọng bảo:
- Có thể con vẫn khôn cái này dại cái kia. Hi vọng sau vài lần con mới rút ra kinh nghiệm…
Thôi, cũng may là lần này không sao. Không biết con đã vô tình nhặt được mảnh thủy tinh đó ở đâu. May nữa là ống thủy tinh bị vỡ đó rất mảnh. Mà cũng kỳ lạ là con nhai như thế mà cũng không bị sứt sở gì trong mồm.
- Này, anh. Cứ như là có mụ đỡ ấy nhỉ. Nó nhai thế mà trong mồm chẳng bị sao cả…
Bố cười, tiếng cười không đến nỗi quá ỉu, và cũng có tí tự hào:
- Con anh mà lị!
Mẹ hình dung ra cái huy chương vàng, ai mà chẳng muốn có, nhưng người ta cũng nói đến mặt trái đầy phức tạp của nó. Rồi về “lời nguyền Oscar” khi được trao tượng vàng Oscar – nhiều nữ diễn viên chạm tay tới nó thì rất có thể sẽ phải chia tay chồng hoặc bạn trai. Con thì chưa được cấp cái huy chương tự kỷ nào cả, nhưng cái mặt trái của nó thì … rõ lắm rồi, hàng ngày, hàng giờ, hàng phút, hàng giây.
Hôm kia, thừa lúc không ai để ý, con lại lục lọi tủ của chị và tìm ra cái đồng hồ cát ấy. Loay hoay một hồi, rồi con chạy xuống bảo mẹ: Chảy máu! Chảy máu!
Một vết đứt nhỏ trên đầu ngón trỏ. Con lấy ngón tay bên kia quệt vết máu đi, và có vẻ con không biết xử lý thế nào khi thấy máu lại chảy ra tiếp. Cũng may, vết đứt cũng không sâu. Mẹ lấy gạc băng lại.
Mẹ chỉ không hiểu sao kí ức lần trước của con, có lẽ vẫn còn, thậm chí rất rõ ràng, vì tự kỷ đôi khi nghĩa là có những kí ức rất sâu đậm và nguyên xi bất kể ngày tháng, nhưng con vẫn không sợ cái đồng hồ cát có nhiều ống thủy tinh ấy. Có lẽ nó vẫn cuốn hút con, và con vẫn lao vào nó bất chấp nguy hiểm. Mẹ đành phải “nói khó” với chị con, để chị vứt hẳn đi, vì sợ nhỡ đâu một ngày nào đó con lại nghịch lần nữa.
Trong văn học, có khái niệm như nắng thủy tinh, và có khi còn có cả mưa thủy tinh nữa nhỉ? Có lẽ mẹ nên gọi chuyện này là mưa thủy tinh thì đúng hơn. Những cơn mưa thủy tinh, luôn nhiều mảnh vỡ, sắc nhọn và nguy hiểm. Con có thể biết rất nhiều thứ khó, cao siêu nhưng lại không hiểu những điều tưởng chừng đơn giản nhất, như bảo vệ sự an toàn cho con. Làm mẹ của trẻ tự kỷ, thì luôn có những cơn mưa thủy tinh như vậy. Quan trọng là chúng ta sẽ xử lý như thế nào thôi. Và đừng để những mảnh thủy tinh ấy không găm, không chà sát, không gây tổn thương thêm cho mình.
Còn hôm nay, nắng thủy tinh đã về. Cô Huyền gọi điện cho mẹ hỏi thăm tình hình của con, và thông báo công ty cô sẽ trao tặng thêm cho trường Xã Đàn của con chiếc ti vi 50 inch nữa – một chiếc ti vi vừa hoàn thành sứ mệnh của nó tại trường quay “Đường lên đỉnh Olympia”. Con của mẹ có lẽ chẳng bao giờ có đủ kiến thức, kỹ năng để theo dõi một chương trình trí tuệ như vậy, nhưng thật ngộ nghĩnh, là từ nay, khi đến trường, cái màn hình gợi nhớ về đỉnh Olympia sẽ luôn đồng hành với con ở đó. Con cũng có nhiều đỉnh Olympia cần phải chinh phục lắm, là phép cộng, phép trừ, là những nguyên âm kép mà con chưa nhớ hết, là dấu hỏi, dấu ngã, dấu nặng mà con chưa nói rõ âm, là khi giao tiếp, con phải dùng từ ngữ chứ không nên cáu gắt vì sẽ làm người khác không thể hiểu được con muốn gì, là những nét chữ đã luyện 3-4 năm mà vẫn chưa tròn… Bố mẹ, gia đình, thầy cô và các bạn luôn sẵn sàng đợi để đi cùng con ở từng chân núi.
“Cùng hát vang lên câu ca chúng ta lên đường vượt đèo leo dốc.
Đỉnh núi Olym cao vời vẫn đang vẫy gọi cùng bao gian nan….”
Con có nghe thấy giai điệu của bài hát này không? Con đường của bất kỳ ai cũng sẽ có nhiều đèo, nhiều dốc. Khó khăn, nhưng không phải không có cơ hội, con ạ. Có thể ta sẽ đạt được một vòng nguyệt quế to, có thể là một vòng nguyệt quế nhỏ, hoặc có thể cũng chẳng có vòng nguyệt quế nào, nhưng ta luôn chiến thắng vì ta đã cố gắng. Mẹ cũng thấy những giọt nắng thủy tinh lung linh trên khắp bầu trời Hà Nội, những giọt nắng thủy tinh đầy màu sắc, đang nhảy múa và thật vui tươi.
Chúc con và các bạn một năm học mới thật tiến bộ nhé!